Viêm túi lệ, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Viêm túi lệ là khi mắt bị đau, đổ ghèn với cảm giác khó chịu. Đó là một trong những tình trạng về mắt có biểu hiện của bệnh viêm túi lệ.

Viêm túi lệ là gì?

Viêm túi lệ là tình trạng nhiễm trùng túi lệ, ống lệ ở khóe mắt gần mũi. Viêm túi lệ là bệnh khá phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là do tắc nghẽn lệ đạo. Khi bị tắc lệ đạo, nước mắt sẽ không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài, bị ứ đọng tại túi lệ gây viêm túi lệ, nhiễm trùng mắt và làm mờ mắt. Người bệnh cảm thấy rất khó chịu, giảm khả năng lao động và chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân của viêm túi lệ

Nguyên nhân của viêm túi lệ thường do tác nhân vi sinh vật. Các vi sinh vật gây viêm túi lệ bao gồm vi khuẩn Gram-dương như Staphylococus epidermidis, Staphylococus aureus, Streptococus pneumoniae; vi khuẩn Gram-âm như: Pseudomonas aeruginosa, Hemophilus influenzae, Proteus, kể cả vi khuẩn kị khí như Propionibacterium acnes.

Viêm túi lệ có thể cấp tính hoặc mạn tính, hay gặp ở trẻ em và người lớn trên 40 tuổi. Thông thường chỉ viêm một bên mắt. Mầm bệnh gây viêm chủ yếu là tụ cầu vàng và liên cầu tan huyết.

Triệu chứng của viêm túi lệ

Cấp tính: Có tiền sử chảy nước mắt, có hoặc không có kèm mủ. Đau nhức vùng túi lệ, có thể tăng lên khi  liếc mắt kèm theo sưng, nóng, đỏ vùng túi lệ. Túi lệ giãn và lan ra phía dưới hoặc 1 phần phía trên. Nếu nặng hơn có thể có áp-xe túi lệ. Ở giai đoạn muộn có thể gây ra rò mủ ra ngoài da, có thể kèm theo sốt, mệt mỏi, hạch trước tai.

Viêm túi lệ mạn tính có biểu hiện chảy nước mắt và tiết gỉ mắt, có thể nặn ra mủ nhầy hoặc mủ đặc, dính mi mắt, viêm kết mạc. Vùng túi lệ có khối nề, căng, ấn vào có mủ nhầy trào ra ở góc trong mắt. Bơm lệ đạo: nước trào qua lỗ lệ đối diện có nhầy mủ kèm.

Điều trị viêm túi lệ

Viêm túi lệ cần được khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt. Tùy vào tình trạng bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.

Viêm túi lệ có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh toàn thân. Điều trị bằng kháng sinh được áp dụng cho các trường hợp viêm túi lệ cấp để giải quyết tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính. Tốt nhất là lấy mủ từ túi lệ để nuôi cấy, tìm tác nhân gây bệnh và dùng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ. Nếu không có kháng sinh đồ, có thể dùng các kháng sinh phổ rộng tại mắt và toàn thân. Thời gian dùng kháng sinh thường 7-10 ngày, tùy mức độ nhiễm trùng cấp tính. Có thể phối hợp chích thuốc mủ túi lệ, giảm phù nề, giảm đau.

Tuy nhiên, bệnh hay tái phát nếu không giải quyết được tắc lệ đạo. Phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật để tạo đường thông lệ đạo mới sẽ giúp cho bệnh nhân hết chảy nước mắt, hết viêm và mủ nhầy ở túi lệ.

Đối với trẻ nhỏ, biện pháp điều trị đơn giản nhất là day, nắn vùng góc trong mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt. Nếu biện pháp này không hiệu quả có thể bơm rửa và thông lệ đạo, giúp thông nước mắt xuống mũi. Tuổi để thông lệ đạo tốt nhất là khi trẻ được 4 – 5 tuổi. Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể đưa con đến khám để bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân, loại trừ các bệnh nguy hiểm và điều trị viêm kịp thời.

Sau khi qua đợt viêm cấp, bệnh chuyển sang trạng thái viêm mạn tính. Để điều trị các trường hợp viêm túi lệ mạn tính cần phải giúp đường lệ thông sang mũi bằng bơm thông lệ đạo hoặc mổ nối thông túi lệ mũi. Nếu không hiệu quả cần phải cắt túi lệ để loại trừ hoàn toàn viêm túi lệ mạn tính.

Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí và hưởng các ưu đãi

Điều trị sớm các trường hợp tắc ống lệ mũi là biện pháp có hiệu quả để phòng viêm túi lệ mạn tính. Các trường hợp viêm túi lệ mạn tính được điều trị sớm thì sẽ tránh được biến chứng viêm túi lệ cấp tính.

Hầu hết những người bị viêm túi lệ có thể giảm triệu chứng bằng cách đắp khăn ấm lên mắt để khơi thông các ống dẫn. Đồng thời, có thể dùng thuốc giảm đau hoặc các thuốc chống viêm không cần kê toa để kiểm soát cơn đau, sốt cho đến khi điều trị dứt điểm bằng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

BS Nguyễn Thị Phương

Tài liệu tham khảo:

http://www.coehcm.com/hn/wp-content/uploads/2018/Mat/8_Dang%20Xuan%20Mai.pdf

https://www.medicalnewstoday.com/articles/318709.php

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470565/

https://emedicine.medscape.com/article/1210688-treatment

https://www.aimu.us/2017/02/28/dacryocystitis-symptoms-diagnosis-and-management/

Chia sẻ: