Không ít bệnh nhân bị tật khúc xạ hăm hở đến bệnh viện mắt để xin phẫu thuật Lasik, khi bị bác sĩ từ chối vì giác mạc quá mỏng… đã ngậm ngùi ra về. Hãy cùng tìm hiểu tại sao trong phẫu thuật Lasik, yếu tố giác mạc mỏng hay dày lại liên quan đến việc có phẫu thuật được hay không bạn nhé!
Giác mạc là gì?
Giác mạc là màng mỏng trong suốt che chắn 1/5 trước nhãn cầu (tương đương với phần lòng đen của con mắt). Vì trong suốt nên nó cho phép ánh sáng, hình ảnh đi qua để hội tụ trên võng mạc, từ đó hình ảnh được truyền lên não bộ giúp con người có thể nhận thức được vật thể và thế giới xung quanh.
Giác mạc có đường kính dọc khoảng 9-11 mm, bán kính độ cong 7,7 mm. Chiều dày giác mạc ở trung tâm (trung bình 520µm) mỏng hơn ở vùng rìa (trung bình 700µm). Bán kính cong mặt trước giác mạc tạo thành lực hội tụ khoảng 48,8D, chiếm 2/3 tổng công suất khúc xạ của nhãn cầu. Để điều trị tật khúc xạ, giác mạc có lợi thế nhất vì dễ tiếp cận, can thiệp ngoại nhãn nên an toàn, ít có khả năng gây biến chứng.
Về cấu trúc mô học, giác mạc có 5 lớp từ ngoài vào trong bao gồm:
– Biểu mô: là biểu mô lát tầng không sừng hoá.
– Màng Bowmans: có vai trò như lớp màng đáy của biểu mô.
– Nhu mô: chiếm 9/10 chiều dày giác mạc.
– Màng Descemet: có đặc điểm là rất dai.
– Nội mô: chỉ có một lớp tế bào.
Phẫu thuật LASIK
LASIK là chữ viết tắt của cụm từ “Laser Assisted in Situ Keratomileusis” (bào mòn giác mạc bằng laser). Nói nôm na, LASIK là phương pháp điều trị tật khúc xạ bằng laser. Laser dùng để điều trị tật khúc xạ là Laser Excimer, bước sóng 193mm, tạo ra do sự kích hoạt hỗn hợp khí Argon Floride, không sinh nhiệt. Đây là phương pháp tiên tiến, dùng laser điều chỉnh bề mặt cong của giác mạc để điều trị các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị và loạn thị.
Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser tác động lên phần trung tâm tạo hình lại giác mạc để điều trị cận thị, tác động lên phần xa trung tâm để điều trị viễn thị, hoặc theo một trục làm giác mạc trở thành hình chỏm cầu để điều trị loạn thị. Kết quả: sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể nhìn rõ tối đa mà không cần kính.
Các bước cụ thể khi phẫu thuật Lasik:
Bước 1: Tạo vạt giác mạc
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được nhỏ thuốc gây tê tại chỗ. Sau đó, phẫu thuật viên sẽ tạo vạt giác mạc bằng dao Microkeratome, dao Oup hoặc bằng Femtosecond laser
Bước 2: Lật vạt giác mạc + chiếu laser làm mỏng nhu mô giác mạc để tạo hình lại giác mạc.
Bước 3: Trải lại vạt giác mạc
Laser được phát ra dưới dạng xung, trung bình mỗi xung sẽ lấy đi khoảng 0,25micron, vì vậy độ cận càng cao thì giác mạc bị bào mỏng càng nhiều. Do năng lượng laser tạo ra lớn hơn năng lượng giữ các liên kết phân tử giác mạc nên sẽ làm phá vỡ các liên kết này và làm bốc hơi vào không khí, phần giác mạc còn lại vẫn trong suốt bình thường.
Phẫu thuật Lasik cho kết quả chính xác, độ an toàn cao khi thực hiện trên máy laser hiện đại. Thông thường, một ca phẫu thuật chỉ diễn ra trong vòng 5-10 phút. Bệnh nhân không cảm thấy đau và hoàn toàn vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật. Sau phẫu thuật, thị lực phục hồi nhanh chóng.
Giải đáp vì sao giác mạc mỏng không mổ LASIK được
Do việc phẫu thuật sẽ làm mỏng bớt nhu mô giác mạc của bệnh nhân (chiếu laser làm mỏng nhu mô giác mạc) nên trước khi quyết định có phẫu thuật Lasik được hay không, bác sĩ sẽ khám mắt tổng quát, kiểm tra độ khúc xạ, khám bản đồ giác mạc và chiều dày giác mạc cho bệnh nhân… Nếu bệnh nhân đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thì mới có chỉ định phẫu thuật.
Giác mạc bình thường dày khoảng 530-550 micromet, chiều dày giác mạc dưới 500 micromet là giác mạc mỏng. Tuy nhiên vẫn có thể phẫu thuật tùy thuộc vào độ khúc xạ (bệnh nhân cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để lựa chọn phương pháp mổ phù hợp như Femto LASIK, ReLEx Smile hay Epi… để tiết kiệm chiều dày giác mạc tối ưu).
Những bệnh nhân có giác mạc quá mỏng (dưới 460 micromet) thì chống chỉ định phẫu thuật laser điều trị tật khúc xạ. Ngoài ra, để có thể phẫu thuật Lasik điều trị tật khúc xạ, bệnh nhân phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:
-Đủ 18 tuổi trở lên
-Có độ khúc xạ ổn định ít nhất trong 6 tháng
-Không đang mang thai hoặc cho con bú
-Không mắc các bệnh lý viêm nhiễm ở mắt, không có bệnh lý nội khoa như tiểu đường hay bệnh lý tự miễn khác…
Nếu trường hợp giác mạc tiêu mỏng do bệnh lý giác mạc hình chóp. Bệnh nhân sẽ cần có phương pháp điều trị khác.
Xem thêm tại: Giác mạc hình chóp: nguyên nhân và cách điều trị
Giải pháp nào cho bệnh nhân giác mạc mỏng?
Với sự phát triển tiên tiến của y học hiện đại, đã có giải pháp tối ưu điều trị cận-loạn-thị cho bệnh nhân mắt giác mạc mỏng đó là phương pháp PHAKIC.
PHAKIC được xem là “vị cứu tinh” cho các trường hợp giác mạc quá mỏng, độ cận viễn loạn nặng, bệnh lý giác mạc chóp tiềm ẩn… khi các phương pháp phẫu thuật bằng laser thông thường không thể thực hiện hay khi bệnh nhân tái cận sau phẫu thuật laser và không còn đủ mô giác mạc để điều trị bổ sung.
PHAKIC giúp bạn thoát khỏi rào cản kính gọng dày cộm nhờ 7 điểm ưu việt:
- Khoảng điều trị lý tưởng: tới 30 độ cận, 10 độ loạn, 15 độ viễn (dưới sự chấp thuận của FDA-Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ)
- Tuổi thọ thấu kính bằng với tuổi thọ đôi mắt, có thể tháo ra khi cần
- Điều chỉnh được độ khúc xạ cao cho người có giác mạc mỏng…
- Không gây khô mắt sau mổ, không lo tái cận
- Bảo vệ mắt khỏi tia UV
- Bảo tồn sự bền vững của giác mạc
- Thị lực hồi phục nhanh, tầm nhìn sắc nét.
Quý khách có nhu cầu tư vấn chi tiết về phương pháp PHAKIC và chi phí, có thể gọi đến hotline 1900 555 553 hoặc Inbox fanpage tại địa chỉ https://www.facebook.com/bvmatsaigon để được giải đáp nhanh chóng.
Ths.BS Bùi Cẩm Hương