An toàn người bệnh là mục tiêu hàng đầu của Tập đoàn Y khoa Sài Gòn

Người bệnh đến bệnh viện với mong muốn được an toàn trong thời gian điều trị. An toàn phải được đặt lên hàng đầu khi bạn chăm sóc cho bất kỳ người bệnh nào  ̶ không chỉ là sự an toàn của người bệnh mà còn là sự an toàn của chính bạn. Bạn sẽ phải học nhiều cách khác nhau để cải tiến về an toàn khi chăm sóc người bệnh. Một số điều dưỡng có kinh nghiệm, họ có xu hướng tự mãn về sự an toàn. Xin đừng cho phép bản thân trở nên thiếu nhận thức về an toàn. Người bệnh đến bệnh viện với mong muốn được an toàn trong thời gian điều trị.”

(Safety, Fundamentals of Nursing care concepts and connection & skill, 2nd, 2015).

Đối với đơn vị y tế, cơ sở chăm sóc sức khỏe , việc thực hiện chính sách cải tiến an toàn phải được triển khai tích cực và liên tục, không những cho người bệnh mà còn cho nhân viên y tế để khắc phục những yếu tố có thể dẫn đến không an toàn như giao tiếp kém, tâm lý căng thẳng, khả năng hiểu, tình trạng đau và giảm tiện nghi, trì hoãn trong hỗ trợ người bệnh…

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), 6 mục tiêu an toàn người bệnh bao gồm:

  1. Nhận diện đúng người bệnh
  2. Bảo đảm giao tiếp, trao đổi thông tin hiệu quả
  3. Giảm nguy cơ và hậu quả cho té ngã
  4. An toàn sử dụng thuốc
  5. An toàn phẫu thuật
  6. Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

Những năm qua, tập đoàn Y khoa Sài Gòn (MSG) đã thiết lập và duy trì văn hóa an toàn cho toàn thể nhân viên từ khi họ bước chân vào bệnh viện: thấm nhuần thái độ – kiến thức để thực hiện an toàn trong từng bước chăm sóc và điều trị người bệnh cũng như phòng ngừa lây nhiễm cho chính nhân viên y tế.

Đầu tiên, MSG chú trọng đến giao tiếp. Giao tiếp giúp cho văn hóa an toàn được thực hiện thông qua đào tạo, hướng dẫn, giao ban, hài lòng khách hàng…

AIDET – một công cụ giao tiếp được phát triển bởi Studer Group, đã được MSG thực hiện ngay khi người bệnh đến cổng vào bệnh viện cho đến từng hành động chăm sóc của nhân viên y tế. Với AIDET: trong chữ I (Introduction: giới thiệu) chúng tôi cải tiến, thêm 1 bước là nhận diện người bệnh, giúp chúng tôi cung cấp các dịch vụ, chăm sóc đúng người bệnh, phòng ngừa được cái sự cố về nhầm lẫn người bệnh, và với chữ D (Duration: thông tin về thời gian) và E (Explain: giải thích) chúng tôi góp phần rất nhiều trong ổn định tâm lý người bệnh vì người bệnh hiểu rõ những vấn đề của họ, những công tác chăm sóc mà điều dưỡng thực hiện và trong thời gian bao lâu.

Bệnh tật, đau đớn, và suy kiệt thường dẫn đến tình trạng người bệnh té ngã, đặc biệt là những người cao tuổi. Bên cạnh đó, môi trường lạ trong bệnh viện và suy giảm vận động cũng là nguyên nhân người bệnh rất dễ té ngã. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, tỉ lệ người bệnh té ngã trong bệnh viện từ 3,3 đến 11,5 trên 1000 ngày điều trị. Thang điểm đánh giá nguy cơ té ngã Morse là công cụ đã được chứng minh hiệu quả trong phòng ngừa té ngã cho người bệnh và được nhiều bệnh viện trong và ngoài nước sử dụng. Thang điểm này cũng đã được điều dưỡng trong MSG ứng dụng từ khi người bệnh bước vào bệnh viện. Tùy theo tình trạng người bệnh và tổng số điểm được ghi nhận trong thang điểm Morse khi điều dưỡng nhận định, đánh giá người bệnh mà người điều dưỡng sẽ có những biện pháp can thiệp thích hợp để đảm bảo người bệnh an toàn. Phòng ngừa và xử trí an toàn khi người bệnh té ngã đã được bệnh viện tập huấn thường xuyên cho điều dưỡng. Mục tiêu duy nhất của MSG: an toàn người bệnh.

Sai sót trong trao đổi thông tin của người bệnh giữa các nhân viên y tế đã được ghi nhận và được xem là sự cố y khoa, ảnh hưởng đến sự an toàn người bệnh. Tại MSG, công cụ ISBAR (Identify, Situation, Background, Assessment, Recommendation) được sử dụng là một công cụ giao tiếp giữa nhân viên y tế trong bàn giao người bệnh, khi trao đổi thông tin về người bệnh một cách an toàn, đầy đủ và liên tục để những thông tin của người bệnh, những y lệnh về điều trị và chăm sóc sóc được theo dõi và thực hiện xuyên suốt, giúp người bệnh của MSG được an toàn trong vòng tay của nhân viên y tế.

Sai sót trong sử dụng thuốc cho người bệnh, một nguy cơ có thể xảy ra do giao tiếp, do văn hóa, do khối lượng thông tin nhiều trong hoạt động vận hành bệnh viện, do những thuốc có tên gọi và hình dáng giống nhau LASA (Look-alike, Sound-alike), do thuốc nguy cơ cao… Bên cạnh những thông tin về thuốc LASA được ban hành đến các khoa, phòng trong bệnh viện, quy định về kiểm tra thuốc 2 lần (Double check) khi thực hiện thuốc nguy cơ cao đã được từng bước áp dụng trong MSG. Việc tuân thủ thực hiện 5 đúng theo quy định của Bộ Y tế, kết hợp tuân thủ những quy định trong sử dụng thuốc giúp điều dưỡng MSG chúng tôi đảm bảo được an toàn cho người bệnh, ngăn ngừa được các sự cố sai sót thuốc có thể xảy ra trên người bệnh.

Phẫu thuật là một kỹ thuật y khoa được thực hiện với mục đích điều trị, chỉnh hình, chẩn đoán, ghép tạng… An toàn trong phẫu thuật, thủ thuật là một trong những tiêu chí quan trọng trong an toàn người bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế Giới, các sai sót, sự cố y khoa liên quan đến phẫu thuật chiếm hơn 50% tổng số các sai sót, sự cố y khoa trong bệnh viện. Việc áp dụng Bảng kiểm an toàn phẫu thuật theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế Giới và Bộ Y tế, ban hành áp dụng những quy trình, quy định trong phòng mổ là chìa khóa để những điều dưỡng MSG chúng tôi đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật, thủ thuật, ngăn ngừa được các sai sót như phẫu thuật sai người bệnh, phẫu thuật sai vị trí, kiểm soát được nhiểm khuẩn liên quan đến phẫu thuật…

Để bảo vệ an toàn cho người bệnh và cho nhân viên y tế trong môi trường lây nhiễm tại bệnh viện thì vai trò kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện vô cùng quan trọng. Những quy định và quy trình chuyên môn được thực hiện và kiểm soát trong từng khâu từng hành động của nhân viên y tế, kết hợp tuân thủ về kỹ thuật vệ sinh tay và 5 thời điểm vệ sinh tay giúp chúng tôi phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn tốt trong bệnh viện.

Ths. ĐD. Nguyễn Thị Ngọc Sương

Điều dưỡng Trưởng Tập đoàn Y khoa Sài Gòn