Cẩn thận xuất huyết tiền phòng sau chấn thương mắt
Xuất huyết tiền phòng là hiện tượng xuất hiện máu trong tiền phòng (khoang nằm giữa giác mạc và mống mắt), thường xảy ra trên mắt sau chấn thương.
Nguyên nhân xuất huyết tiền phòng
Bình thường, trong tiền phòng chứa một dung dịch trong suốt gọi là thuỷ dịch. Thuỷ dịch được tiết ra bởi cơ thể mi nằm sau mống mắt, chui qua lỗ đồng tử để ra tiền phòng. Thuỷ dịch có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cho các thành phần bên trong của mắt.
Xuất huyết tiền phòng có thể gặp sau chấn thương xuyên và chấn thương đụng dập nhãn cầu do vỡ một số mạch máu trong mắt. Xuất huyết tiền phòng có thể xuất hiện đơn thuần hoặc kèm với xuất huyết buồng dịch kính.
Triệu chứng xuất huyết tiền phòng
Các triệu chứng thường gặp trong xuất huyết tiền phòng sau chấn thương bao gồm:
Triệu chứng chủ quan:
-Đau (đau có thể xuất hiện do bản thân chấn thương hoặc do tăng nhãn áp)
-Nhìn mờ (mờ ít nếu lượng máu trong tiền phòng ít, mờ nhiều nếu lượng máu trong tiền phòng nhiều. Thậm chí thị lực có thể giảm đến mức không nhìn thấy gì, chỉ còn nhận thức được ánh sáng).
Triệu chứng khách quan
-Khám thực thể cho thấy có sự xuất hiện của máu trong tiền phòng. Ngoài ra, nhãn áp có thể tăng cao.
Xuất huyết tiền phòng nhẹ
Phân loại xuất huyết tiền phòng
Xuất huyết tiền phòng thường được chia làm 4 độ.
Độ 1: lượng máu chiếm 1/3 chiều cao của tiền phòng.
Độ 2: lượng máu chiếm từ 1/3 đến 1/2 chiều cao của tiền phòng.
Độ 3: lượng máu lớn hơn 1/2 chiều cao của tiền phòng nhưng chưa chiếm hết tiền phòng.
Độ 4: lượng máu chiếm toàn bộ tiền phòng.
Xuất huyết tiền phòng ở mức trung bình
Điều trị xuất huyết tiền phòng
Điều trị nội khoa
Người bệnh cần nằm nghỉ ngơi, bất động, đầu cao (300 – 450) và uống nhiều nước (uống 1/2 lít nước lọc trong 5 phút, cần lưu ý với những người bị bệnh thận, bệnh tim mạch, cao huyết áp…) phối hợp với việc sử dụng các thuốc liệt điều tiết, thuốc chống viêm steroid, thuốc giảm đau và thuốc hạ nhãn áp trong trường hợp có tăng nhãn áp. Nói chung, trong đa số các trường hợp, máu tiền phòng có thể tự hấp thu trong vòng vài ngày đến vài tuần.
Điều trị phẫu thuật (rửa máu tiền phòng)
Thường được tiến hành trong những trường hợp:
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí và hưởng các ưu đãi
– Xuất huyết toàn bộ tiền phòng, đã điều trị nội khoa ít nhất 4 ngày không hiệu quả
-Xuất huyết tiền phòng kèm theo tăng nhãn áp lớn hơn 50mmHg, điều trị nội khoa không hiệu quả (đề phòng biến chứng teo dây thần kinh thị giác)
-Có dấu hiệu nhiễm máu giác mạc ở bất cứ mức độ nào;
-Lượng máu chiếm nhiều hơn 3/4 tiền phòng với nhãn áp lớn hơn hoặc bằng 25 mmHg kéo dài hơn 6 ngày (đề phòng biến chứng ngấm máu giác mạc);
-Lượng máu chiếm nhiều hơn 1/2 tiền phòng kéo dài quá 8-9 ngày (đề phòng biến chứng dính góc tiền phòng).
Biến chứng Xuất huyết tiền phòng
Xuất huyết tiền phòng nặng
Các biến chứng có thể gặp khi xuất huyết tiền phòng gồm: dính mống mắt với mặt trước của thuỷ tinh thể hoặc với mặt sau giác mạc gây đóng góc tiền phòng, ngấm máu giác mạc, teo dây thần kinh thị giác (thường xuất hiện do tăng nhãn áp không được điều trị).
Tiên lượng
Tiên lượng bệnh phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố: các tổn thương nhãn cầu đi kèm, có sự xuất hiện của xuất huyết tiền phòng tái phát (bệnh nhân xuất huyết tiền phòng đang đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, máu tiền phòng đang tiêu tốt đột nhiên bệnh nhân lại thấy mờ, nhức do chảy máu trở lại); có các biến chứng của bệnh như tăng nhãn áp, ngấm máu giác mạc, teo dây thần kinh thị giác…
Khoảng 80% bệnh nhân xuất huyết tiền phòng độ 1 và 60% xuất huyết tiền phòng độ 2 có thị lực lớn hơn hoặc bằng 5/10 sau điều trị. Trong khi đó, chỉ có khoảng 35% bệnh nhân xuất huyết tiền phòng độ 3 và 4 đạt mức thị lực này.
BS CKII. Nguyễn Phú Tùng
Tài liệu tham khảo:
https://www.aao.org/eye-health/symptoms/blood-in-eye
https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=blood-in-the-eye-hyphema-90-P02825