Viêm nội nhãn, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Khi gặp các triệu chứng như nhìn mờ, đau nhức mắt, kích thích khó chịu, đau đầu, sợ ánh sáng, đỏ mắt, sưng nề xung quanh mắt, mệt mỏi, sốt, mất ngủ, kém ăn…, bạn nên dành thời gian đi khám bởi đó là những dấu hiệu khá phổ biến của bệnh viêm nội nhãn. Bệnh cần điều trị sớm để có cơ hội phục hồi chức năng thị giác, hạn chế biến chứng và giảm nguy cơ mù lòa.
Viêm nội nhãn là bệnh gì?
Viêm nội nhãn là các phản ứng viêm trong mắt gây ra bởi quá trình nhiễm khuẩn hoặc chấn thương các tổ chức, mô trong nhãn cầu.
Viêm nội nhãn là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng viêm nghiêm trọng của các mô bên trong mắt. Bệnh thường xuất hiện do nhiễm trùng bởi vi khuẩn (ví dụ như Staphylococcus, Streptococcus, vi khuẩn Gram âm) hoặc nấm (ví dụ như Candida, Aspergillus).
Bệnh viêm nội nhãn hiếm khi được gây ra bởi virus (herpes simplex hoặc herpes zoster) hoặc động vật nguyên sinh (ví dụ như Toxocara, Toxoplasma). Bệnh viêm nội nhãn vô trùng (không nhiễm trùng) có thể do phản ứng đối với những mảnh kính còn lại trong mắt sau phẫu thuật đục thủy tinh thể hoặc thuốc tiêm vào mắt.
Các loại viêm nội nhãn
Viêm nội nhãn được chia làm 2 loại: Viêm nội nhãn ngoại sinh và viêm nội nhãn nội sinh.
Viêm nội nhãn ngoại sinh: xuất hiện do các tác nhân gây bệnh (nấm, vi khuẩn…) đi vào mắt trực tiếp từ môi trường bên ngoài sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
Viêm nội nhãn nội sinh: xuất hiện bởi các vi khuẩn lây lan từ các cơ quan khác của cơ thể theo đường máu.
Triệu chứng viêm nội nhãn
Khi bị viêm nội nhãn, triệu chứng thường gặp nhất là mất thị lực và đau mắt. Các triệu chứng khác còn phụ thuộc vào tác nhân gây nhiễm trùng mắt.
Viêm nội nhãn sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể có thê rbị nhiễm trùng, biến chứng này có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Các triệu chứng có thể khác nhau phụ thuộc vào thời gian xảy ra nhiễm trùng là sớm hoặc muộn sau phẫu thuật. Triệu chứng ban đầu thường là tầm nhìn bên mắt bị nhiễm trùng suy giảm, đau mắt nặng hơn sau phẫu thuật, mắt đỏ, sưng mí mắt.
Triệu chứng muộn có thể là mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng hoặc đau mắt nhẹ.
Viêm nội nhãn sau chấn thương
Triệu chứng của bệnh viêm nội nhãn sau chấn thương thường gặp như tầm nhìn bên mắt bị nhiễm trùng giảm, đau mắt, đỏ mắt, mí mắt sưng…
Viêm nội nhãn theo đường máu
Khi nhiễm trùng lây lan qua đường máu và đọng lại trong mắt, các triệu chứng thường khó nhận biết như: tầm nhìn giảm nhẹ trong vòng vài tuần, xuất hiện bóng mờ…
Nguyên nhân gây bệnh viêm nội nhãn
– Vi khuẩn: meningitidis, Staphylococcus aureus, S. epidermidis, S. pneumoniae, Streptococcus spp. khác, Propionibacterium acnes, Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn gram âm khác;
– Virus: Herpes simplex;
– Nấm: Candida spp, Fusarium;
– Ký sinh trùng: Toxoplasma gondii;
– Bệnh viêm nội nhãn khởi phát muộn chủ yếu do Propionibacterium acnes.
– Bệnh viêm nội nhãn đôi khi có thể là do phản ứng dị ứng với một loại thuốc tác dụng lên mắt.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm nội nhãn
Một số yếu tố được cho là có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nội nhãn như:
– Chấn thương mắt
– Phẫu thuật mắt
– Tiêm nội nhãn
– Nhiễm trùng huyết.
Điều trị bệnh viêm nội nhãn
Chẩn đoán bệnh
Bệnh viêm nội nhãn có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về thị lực cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, hỏi về bệnh sử, đặc biệt là quy trình phẫu thuật mắt hoặc chấn thương mắt nào đã trải qua.
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí và hưởng các ưu đãi
Dùng kính soi đáy mắt để nhìn vào bên trong, hoặc áp dụng phương pháp siêu âm mắt để kiểm tra xem có các mảnh vỡ bất thường nào nằm ở trung tâm mắt hay không.
Các bác sĩ nhãn khoa có thể đề nghị thủ thuật cắt dịch kính, gây tê mắt, sử dụng kim nhỏ để rút dịch trong phale thể. Sau đó xét nghiệm trong dịch này có chứa vi khuẩn hay các sinh vật khác hay không.
Các phương pháp điều trị
Điều trị bệnh viêm nội nhãn triệt để và hiệu quả cần xác định chính xác nguyên nhân.
Nếu bệnh do nhiễm trùng, có thể điều trị tùy chọn bao gồm một hoặc nhiều bước sau:
1. Kháng sinh nội nhãn. Thuốc kháng sinh được tiêm trực tiếp vào mắt bị nhiễm bệnh. Thông thường, bác sĩ có thể loại bỏ một ít dịch kính để nhường chỗ cho kháng sinh;
2. Corticosteroid. Bác sĩ có thể tiêm corticosteroid vào mắt để làm giảm viêm và giúp mau lành;
3. Thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Bác sĩ có thể tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch đối với những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng;
4. Cắt dịch kính. Bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt dịch kính nhằm loại bỏ một phần dịch kính bên mắt bị nhiễm và thay thế bằng nước muối vô trùng hoặc một loại dịch tương thích. Thủ thuật này thường được áp dụng nếu bạn bị mất thị lực nghiêm trọng đến mức gần như bị mù.
5. Nếu bệnh do nhiễm nấm, bác sĩ thường tiêm thuốc kháng nấm vào mắt nhiễm bệnh hoặc tiêm đường tĩnh mạch, hoặc có thể uống đường miệng.
Thói quen sinh hoạt hạn chế viêm nội nhãn
Viêm nội nhãn là một bệnh nhiễm khuẩn mắt nặng nề. Vì thế, khi có dấu hiệu nghi ngờ cần phải đi khám để có thể xác định chính xác được bệnh.
Đối với người bệnh, bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh nếu áp dụng các biện pháp sau:
– Nếu phải phẫu thuật đục thủy tinh thể, bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách làm theo chỉ dẫn của bác sĩ để chăm sóc mắt sau phẫu thuật.
– Thường xuyên đi khám mắt theo dõi.
– Để ngăn chặn bệnh viêm nội nhãn do chấn thương mắt, nên dùng kính bảo hộ tại nơi làm việc và trong khi tham gia các môn thể thao. Mắt kính và mũ bảo hiểm sẽ giúp bảo vệ chống lại các mảnh vỡ công nghiệp có thể xuyên hoặc cắt vào mắt.
BS CKII. Tăng Hồng Châu
Tài liệu tham khảo:
1. http://eyewiki.aao.org/Endophthalmitis
2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3638360/
3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2850824/
4. Mamalis N. Endophthalmitis. J Cataract Refract Surg. 2002;28(5):729–730.
5. Essman TF, Flynn HW, Jr, Smiddy WE, et al. Treatment outcomes in a 10-year study of endogenous fungal endophthalmitis. Ophthalmic Surg Lasers. 1997;28(3):185–194.
6. Jackson TL, Eykyn SJ, Graham EM, Stanford MR. Endogenous bacterial endophthalmitis: 17-year prospective series and review of 267 reported cases. Surg Ophthalmol. 2003;48(4):403–423.
7. Okada AA, Johnson RP, Liles WC, D’Amico DJ, Baker AS. Endogenous bacterial endophthalmitis. Report of a ten-year retrospective study. Ophthalmology. 1994;101(5):832–838.