Viêm loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh
Viêm loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh là một nhiễm khuẩn trầm trọng tại mắt. Bệnh thường diễn biến nhanh và để lại hậu quả nặng nề là mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Đối tượng hay mắc bệnh
Viêm loét giác mạc nói chung và viêm loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh nói riêng thường xảy ra ở những người trong độ tuổi lao động. Hậu quả là làm thị lực giảm sút trầm trọng, mù lòa, cá biệt có những trường hợp phải bỏ mắt.
Những hoàn cảnh dễ gây bệnh
Ở nước ta, bệnh cảnh viêm loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh liên quan nhiều đến thói quen sinh hoạt, nghề nghiệp và các điều kiện bảo hộ lao động. Đặc biệt, ở nông thôn bệnh này thường hay xảy ra sau các chấn thương nông nghiệp ở thời kỳ mùa vụ.
Nó cũng có thể xảy ra sau các tai nạn lao động, các chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày. Đôi khỉ bệnh xảy ra sau các vi chấn thương như bụi bay vào mắt, sau đó người bệnh thấy cộm, ngứa mắt…, rồi bệnh tiến triển nặng dần.
Một số người do đặc điểm cơ mi mắt khiến mắt không thể nhắm kín (do bẩm sinh hoặc sau khi bị liệt dây thần kinh có ảnh hưởng đến cơ mi mắt), gặp bụi bay vào hoặc các dị vật khác có thể gây nên viêm nhiễm tại mắt do trực khuẩn mủ xanh, tiến tới viêm loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh.
Đặc điểm của trực khuẩn mủ xanh
Trực khuẩn mủ xanh là loại trực khuẩn gr (-), sống ở khắp nơi trong môi trường thiên nhiên, và thích hợp với môi trường ấm và ẩm ướt. Đây là loại vi khuẩn có độc lực cao (có cả nội độc tố và ngoại độc tố và nó có khả năng sinh enzym ngoại tiết), vì vậy nó rất dễ xâm nhập vào giác mạc khi gặp điều kiện thuận lợi.
Ngoài ra trực khuẩn mủ xanh còn có khả năng tiết ra men tiêu collagen (đây là thành phần chính cấu tạo nên giác mạc) dẫn đến hoại tử giác mạc, làm thủng giác mạc một cách nhanh chóng.
Triệu chứng của viêm loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh
Triệu chứng lâm sàng: Sau một sang chấn trên giác mạc, người bệnh thấy đỏ mắt, mi sưng nề, đau nhức mắt dữ dội kèm theo chói cộm chảy nước mắt, mắt nhìn mờ đi nhanh chóng.
Đồng thời người bệnh sẽ thấy xuất hiện trên giác mạc hay là lòng đen một chấm trắng và nó sẽ phát triển rất nhanh trong vòng 24-48 giờ có khi lan rộng ra hết toàn bộ giác mạc. Trên bề mặt ổ loét là chất hoại tử màu trắng đục đôi khi xám xanh hay ngà vàng nhầy dính chặt vào bề mặt giác mạc.
Triệu chứng cận lâm sàng:
Xét nghiệm soi tươi trực tiếp thấy ổ loét có trực khuẩn gr (-) và khi làm nuôi cấy vi khuẩn sẽ tìm được trực khuẩn mủ xanh. Nếu bệnh nhân không đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì giác mạc sẽ nhanh chóng bị hoại tử toàn bộ và thủng giác mạc dẫn đến mù lòa.
Điều trị
Điều trị đặc hiệu dựa vào kháng sinh đồ. Tuy nhiên, các bác sĩ thường điều trị ngay các tổn thương trên giác mạc mà không chờ đợi kết quả kháng sinh đồ. Việc điều trị dựa trên hình thái tổn thương và kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ.
Trực khuẩn mủ xanh thường nhạy cảm với nhóm gentamycin, tobramycin, ofloxacin, ciprofloxacin… Cụ thể, các loại kháng sinh thường được sử dụng là gentamycin 0,3%, tobrex, ciloxan, oflovid … tra liên tục tại mắt khoảng 10-15 lần ngày.
Ngoài ra còn phải kết hợp điều trị kháng sinh toàn thân nếu bác sĩ thấy cần thiết, điều trị chống dính đồng tử bằng atropin, tăng cường dinh dưỡng giác mạc, nâng cao thể trạng…
Phòng bệnh
Để phòng xảy ra viêm loét giác mạc, mọi người phải có ý thức bảo vệ đôi mắt của mình như: nhất thiết phải có trang thiết bị bảo hộ lao động (đeo kính bảo vệ mắt khi lao động như đi gặt, xay xát lúa, làm trong xưởng mộc, thợ hàn…).
Khi xảy ra sang chấn hoặc vi sang chấn ở giác mạc, hoặc khi có một số biểu hiện lâm sàng như đỏ mắt, mi sưng nề, đau nhức mắt dữ dội kèm theo chói cộm chảy nước mắt… thì phải đến cơ sở y tế, bệnh viện mắt chuyên khoa gần nhất để khám và điều trị.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về tra, nhất là các thuốc có chứa chất chống viêm corticoid như polydexa hoặc dexacol… vì các loại thuốc này không dùng đúng bệnh hay đúng giai đoạn điều trị thì có thể gây hại cho giác mạc hoặc làm bệnh trầm trọng hơn.
Biên tập: TTT