Viêm loét giác mạc do nấm: Các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và điều trị
Viêm loét giác mạc do nấm là tình trạng mất lớp biểu mô giác mạc, kèm theo nhiễm nấm vào lớp nhu mô hoặc nội mô giác mạc; là tổn thương viêm loét giác mạc hay gặp thứ hai sau vi khuẩn. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ giảm thị lực, mù lòa, thậm chí không giữ được mắt.
Xem thêm: Viêm loét giác mạc nguyên nhân và cách chữa trị
Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm nấm
Viêm loét giác mạc do nấm thường gặp ở các nước có khí hậu nóng ẩm, các nước đang phát triển, có liên quan đến các chấn thương giác mạc do đất, bụi, cành cây, lá cây. Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác như sử dụng kính tiếp xúc, sau phẫu thuật ở mắt, bệnh nhân có hội chứng suy giảm miễn dịch.
Viêm loét giác mạc do nấm là một bệnh nhiễm trùng giác mạc khó điều trị. Tỷ lệ viêm loét giác mạc do nấm ngày càng tăng và khó điều trị do vệ sinh môi trường kém, chế độ bảo hộ lao động kém và cả sự lạm dụng các thuốc tra mắt có corticosteroid.
Tiên lượng của viêm loét giác mạc do nấm thường xấu hơn so với viêm nhiễm giác mạc do vi khuẩn nói chung, do viêm nhiễm giác mạc do nấm khó chẩn đoán (chỉ dựa vào lâm sàng mà không có điều kiện chẩn đoán bằng cận lâm sàng), thuốc chống nấm ít, giá thành đắt, thói quen sử dụng corticoid và kháng sinh bừa bãi.
Các loài nấm gây viêm loét giác mạc
Có hai loại nấm chính gây bệnh là: nấm men và nấm sợi. Trong đó, nấm men có đặc điểm đơn bào, hình tròn, hình trứng có hoặc không có chồi;
Nấm sợi đa bào, hình ống, phân nhánh có hoặc không có vách ngăn. Nấm thường hay gây bệnh viêm loét giác mạc là nấm sợi, hay gặp là Fusarium, Aspergillus. Nấm sợi thường khó chẩn đoán và điều trị hơn nấm men.
Chẩn đoán viêm loét giác mạc do nấm
Viêm loét giác mạc do nấm thường xuất hiện sau một vi chấn thương mắt (bụi, cành cây, lá lúa chọc vào mắt), khởi đầu lặng lẽ, âm thầm, tiến triển chậm, kích thích ít và kéo dài. Bệnh bùng phát dữ dội khi bệnh nhân có sử dụng corticoit. Bệnh nhân thấy đau nhức mắt, đỏ mắt, cộm chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhìn mờ.
Thực thể:
-Hình ảnh điển hình: ổ loét tròn/oval, ranh giới rõ, đáy ổ loét thường phủ lớp hoại tử dày, khô, đóng vảy gồ lên trên bề mặt giác mạc. Xung quanh ổ loét có đám thẩm lậu như bông trong nhu mô.
-Mủ tiền phòng tăng giảm thất thường.
Có nhiều phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cấy định danh, kỹ thuật ELISA, kỹ thuật PCR…
Điều trị viêm loét giác mạc do nấm
-Thuốc kháng nấm đặc hiệu: 2 nhóm thông dụng là Polyenes (natamycin, Amphotericin), Azoles (itraconazole, ketoconazole, Fluconazole…).
-Điều trị phụ trợ:
+Kháng sinh, chống viêm non – steroid tra tại mắt phòng bội nhiễm.
+Giãn đồng tử bằng Atropin 0,5-1% (mục đích chống dính sau, giảm đau do co thắt thể mi.
+Dinh dưỡng giác mạc: Khi ổ loét bắt đầu thoái lui, biểu mô bắt đầu hàn gắn.
Việc điều trị viêm loét giác mạc do nấm cần theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa mắt. Có thể phải can thiệp ngoại khoa như: Nạo biểu mô giác mạc, nạo bề mặt giác mạc hoặc đáy ổ loét, gọt giác mạc hoặc thậm chí là ghép giác mạc tùy tình trạng, mức độ bệnh.
Nói chung, việc điều trị viêm loét giác mạc do nấm thường phải rất tích cực, kiên trì. Mục tiêu quan trọng của điều trị là thanh toán được tác nhân gây bệnh, sau điều trị nhãn cầu được bảo tồn, không có các biến chứng nặng nề như hoại tử, thủng giác mạc.
Phòng bệnh viêm loét giác mạc do nấm
Để phòng mắc bệnh viêm loét giác mạc do nấm, mọi người cần cẩn trọng trong sinh hoạt, lao động để tránh xảy ra chấn thương ở mắt. Nên đeo kính bảo vệ mắt khi làm việc và khi đi đường. Nếu không may bị bụi, hạn sạn, hạt thóc… bắn vào mắt, tuyệt đối không được day, giụi dẫn đến xước và rách giác mạc.
Cách ứng xử đúng là nếu trong trường hợp có thể kiểm soát được (như chỉ bị hạt bụi bay vào mắt) thì nên rửa mắt bằng nước sạch để bụi tự trôi ra. Nếu không đỡ, hoặc dị vật to hơn bắn vào mắt, cần đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị.
Những người sử dụng kính tiếp xúc cần tuân thủ chặt chẽ khâu vệ sinh, không sử dụng hàng trôi nổi trên thị trường để tránh nhiễm nấm. Khi có triệu chứng bệnh ở mắt nói chung như ngứa, cộm…, không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ bừa bãi. Việc khám và điều trị bệnh mắt nên được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên khoa.
BS.Phạm Thanh Tâm