U bề mặt nhãn cầu
Bề mặt nhãn cầu bao gồm kết mạc và giác mạc. Kết mạc là lớp màng nhầy mỏng trong suốt, phủ mặt sau mi mắt rồi bẻ ngoặt ra trước trải lên bề mặt nhãn cầu cho tới rìa giác mạc, ở đây biểu mô kết mạc liên tục ra trước với biểu mô giác mạc. Giác mạc là phần trước của vỏ bọc ngoài, trong suốt, vô mạch.
Lớp biểu mô giác mạc gồm 5-7 lớp biểu mô lát tầng không sừng hóa. Rìa giác củng mạc là vùng chuyển tiếp rộng 1mm ở ngoại vi giác mạc, là vùng nối kết giữa biểu mô lát tầng có gai của giác mạc và biểu mô trụ của kết mạc nhãn cầu, giống những vùng chuyển tiếp biểu mô khác đây là vùng dễ có xu hướng xảy ra ung thư tại chỗ (carcinoma insitu).
Các loại u kết giác mạc
U nguyên phát kết giác mạc gồm 2 loại bẩm sinh và mắc phải với đặc điểm lâm sàng rất đa dạng. Tổn thương mắc phải thường gặp gồm u có nguồn gốc từ tế bào biểu mô lát tầng, tế bào hắc mạc, tế bào lympho, trong đó u biểu mô lát tầng chiếm phần lớn các tổn thương.
Các u kết giác mạc thường gặp: u nhú gai, u tiền ác tính và ác tính. Có những xâm lấn u ác tính vượt qua cả màng cơ bản đến lớp màng biểu mô kết mạc hoặc biểu mô giác mạc.
U tế bào vẩy có nhiều loại: u loạn sản, u tế bào biểu mô vẩy xâm lấn liên quan kết mạc, vùng rìa củng giác mạc và giác mạc. U thường thâm nhiễm thấp nhưng xâm lấn có thể lan rộng nhãn cầu hoặc tổ chức hốc mắt.
Nguyên nhân u kết giác mạc
Tia cực tím
Vị trí u xuất hiện thường ở khe mi và rìa giác mạc có lẽ vì đây là vùng dễ bị ánh sáng mặt trời kích thích nhất. Vùng rìa giác củng mạc là vùng chuyển tiếp nối kết giữa biểu mô lát tầng có gai của giác mạc và biểu mô trụ của kết mạc nhãn cầu, nơi dễ bị thay đổi loạn sản.
Vai trò tế bào gốc trong u tế bào vẩy còn nhiều tranh cãi, u có thể phát sinh từ sự rối loạn chức năng của tế bào gốc và từ những tác nhân gây đột biến như tia cực tím UV gây đột biến gen TP53.
Một nghiên cứu miễn dịch cho thấy bức xạ tia cực tím có thể đóng vai trò kích thích các enzyme phân giải protein như: MMPs (matrix metalloproteinase), chất ức chế TIMPs có liên quan tới ung thư.
HPV (Human Papilloma Virus)
HPV đã được ghi nhận là virus có thể gây ung thư cổ tử cung nhưng đối với u tế bào vẩy bề mặt nhãn cầu vẫn chưa được xác định. Sinh thiết cùng phân tích mô học cho thấy chủng nguy cơ thấp HPV type 16 và type 11 có liên quan u nhú kết mạc. Chủng nguy cơ cao HPV type 16 và 18 cũng liên quan với u nhú kết mạc được tìm thấy trong loạn sản mức độ cao và ung thư xâm lấn tế bào vẩy kết mạc.
HIV (Human Immunodeficiency Virus)
U tế bào vẩy bề mặt nhãn cầu được xác nhận có liên quan đến bệnh AIDS, ở Châu Phi tỉ lệ mắc bệnh u tế bào vẩy bề mặt nhãn cầu tăng cao cùng với đại dịch HIV. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân trẻ tuổi bị nhiễm HIV nguy cơ mắc bệnh u biểu mô kết giác mạc tăng gấp 10 lần và u thường xâm lấn nhiều hơn.
Phân tích mô từ mẫu u tế bào vẩy ở bệnh nhân nhiễm HIV-1 cho thấy hiện diện nhiều virus gây ung thư như HPV, EBV, KSHV… có thể chúng là tác nhân đóng góp vào sự phát triển u ác tính biểu mô kết mạc ở bệnh nhân nhiễm HIV.
U kết mạc
U nhú không cuống: xảy ra ở người trẻ. Tổn thương dạng nhiều nhú nhỏ mọc thành chùm hoặc đơn lẻ, có màu hồng nhạt. Vị trí thường gặp ở kết mạc cùng đồ và kết mạc mi mắt. Có liên quan đến virus HPV type 6 và type 11 ở kết mạc. Có thể thoái triển tự nhiên, hay tái phát sau phẩu thuật cắt bỏ.
U nhú có cuống: hiếm gặp hơn,ở tuổi trung niên, có liên quan HPV type 16 và type 18, thường ở kết mạc nhãn cầu và cạnh rìa giác mạc. U nhú biểu hiện bằng sự tăng sinh của biểu mô dạng nhiều thùy, mỗi thùy có mạch máu trung tâm giống hình ảnh dâu tây, xung quanh là các tế bào gai, lớp tế bào biểu mô vẩy không sừng hóa có chứa một số tế bào tiết nhầy, dạng này dễ bị loạn sản. Thường tái phát sau phẩu thuật cắt bỏ.
U nhầy kết mạc: có thể bẩm sinh hay mắc phải. Lớp tế bào biểu mô kết mạc tăng sinh tạo thành một khoang chứa chất dịch nhầy. U thường không có triệu chứng. Điều trị: phẫu thuật cắt bỏ.
U sắc tố kết mạc: vị trí thường ở kết mạc nhãn cầu, có màu nâu, không triệu chứng. U ít thay đổi kích thước và màu sắc. Theo dõi không cần điều trị.
U kết giác mạc
U bì kết giác mạc bẩm sinh. Phần lớn ở kết mạc nhãn cầu, vùng rìa giác mạc. U bề mặt nhẵn, màu trắng sữa, có nang lông. U không có triệu chứng, không xâm lấn về độ sâu, có thể tăng kích thước theo sự phát triển nhãn cầu. Phẫu thuật u khi thấy có ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ.
U biểu mô kết giác mạc: thường xảy ra ở người tiếp xúc với tia cực tím, nghiện thuốc lá, đeo kính tiếp xúc kéo dài, có liên quan HPV type 16 và type 18. Triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu có thể là viêm cấp, hoặc chỉ đỏ mắt. Vị trí thường ở tại rìa giác mạc, kết mạc nhãn cầu, kết mạc cùng đồ, biểu mô giác mạc, kết mạc mi hiếm hơn.
Tổn thương thường giống u nhú kết mạc với nhiều hình dạng khác nhau: dạng nốt, dạng nhú sùi như quả dâu tây, bề mặt u có khi có mảng trắng tăng sừng hóa nổi gồ lên là kết quả sự bất thường tế bào vẩy.
Tổn thương kết mạc thay đổi có nhiều mạch máu nuôi trên khối u. Đôi khi u có màu nâu giống như melanoma ác tính. U có khi tồn tại cùng mộng thịt hoặc pingecular.
U lành tính: u nhú, u sừng gai, u loạn sản sừng trong biểu mô lành tính di truyền, tổn thương sừng hóa không đặc hiệu. U có loạn sản tế bào mức độ nhẹ đến vừa. Tuy lành tính có thể hóa ác nếu không được theo dõi điều trị.
U ác tính: ung thư tại chỗ chưa xâm lấn qua màng đáy. Ung thư xâm lấn: u biểu mô tế bào vẩy, ung thư biểu mô, u lympho.
U tế bào vẩy bề mặt nhãn cầu
U tế bào vẩy bề mặt nhãn cầu có thể lan rộng ra 2 bên. U tế bào vẩy bề mặt giác mạc thường do xâm lấn từ ung thư tế bào vẩy kết mạc. Màng Bowmann thường là hàng rào cản đối với các tổn thương xâm lấn. Triệu chứng lâm sàng từ không có gì cho đến đau nặng và giảm thị lực.
Vị trí khối u thường ở khe mi và vùng rìa giác mạc, kết mạc mi hiếm hơn. Chẩn đoán sớm và theo dõi làm giảm nguy cơ tái phát, cải thiện tiên lượng, bảo tồn thị lực. Tổn thương u tế bào vẩy bề mặt nhãn cầu có dạng từ loạn sản đơn giản đến ung thư xâm lấn. Tổn thương được coi là ác tính thấp nhưng xâm lấn có thể lan nội nhãn và tổ chức hốc mắt.
Tiêu chuẩn vàng chẩn đoán lâm sàng u tế bào vẩy bề mặt nhãn cầu là hình ảnh mô học.
Phẫu thuật cắt bỏ kết hợp lạnh đông, bóc biểu mô giác mạc bằng cồn, hóa trị liệu tại chỗ (MitomycinC và Interferon α2b) là những phương thức điều trị chính trong u tế bào vẩy bề mặt nhãn cầu. Tỉ lệ tái phát cao ở nhóm nguy cơ cao và liên quan đến cách phẫu thuật cắt bỏ ban đầu.
Hóa trị liệu tại chỗ là liệu pháp điều trị đơn lẻ hoặc là thuốc hỗ trợ phẫu thuật. Xâm lấn u vào nội nhãn hoặc hốc mắt hậu quả phải khoét bỏ nhãn cầu và thậm chí có thể tử vong.
Bác sĩ Chuyên khoa II. Đặng Đức Khánh Tiên