Trợt biểu mô giác mạc: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Trợt biểu mô giác mạc là gì?
Trợt biểu mô giác mạc hay còn gọi là trầy xước giác mạc để chỉ vết trầy trên bề mặt giác mạc do dị vật gây ra khiến mắt bị tổn thương và thị lực bị ảnh hưởng.
Giác mạc là lớp thủy dịch trong suốt nằm ngoài cùng của nhãn cầu, có vai trò như “tấm chắn” bảo vệ, đồng thời kết hợp với thủy tinh thể và đồng tử tập trung ánh sáng từ hình ảnh truyền đến võng mạc bên trong nhãn cầu. Những dị vật như bụi, hạt cát, côn trùng nhỏ… có thể bay vào mắt và dính hoặc bám lại trên giác mạc. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn.
Nguyên nhân bị trợt biểu mô giác mạc
Trầy xước giác mạc có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và trong bấy kỳ hoạt động thường ngày như vận động, đi đường, sửa chữa hoặc thậm chí vô tình chạm mạnh tay vào giác mạc. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Khi dị vật như bụi, hạt cát bám lâu ở mí mắt có thể gây ra vết trầy ở giác mạc khi bạn chớp mắt. Khói thuốc lá, đeo kính áp tròng trong một thời gian dài, chà xát mắt hoặc khô mắt kéo dài có thể gây ra trợt biểu mô giác mạc.
Triệu chứng của trợt biểu mô giác mạc
Khi xuất hiện dị vật ở giác mạc, mắt có biểu hiện đỏ, đau và trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Thị lực có thể bị nhòe tạm thời. Nếu dị vật gây ra vết trầy ở giác mạc, người bệnh thường cảm thấy:
- Xốn, kích ứng, đỏ hoặc chảy nước mắt.
- Tùy thời gian và tình trạng viêm do dị vật có thể gây giảm thị lực.
- Khó mở mắt.
Vì thế, khi bị dị vật bám vào mắt, nếu không thể lấy dị vậy ra hoặc cảm thấy mắt cộm dù đã lấy dị vật ra khỏi, thị lực suy giảm hoặc bị mờ, mắt bị chảy nhiều nước mắt cần đi khám ngay ở các Bệnh viện, phòng khám mắt uy tín.
Điều trị trợt biểu mô giác mạc
Trước khi chọn phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách quan sát mắt nhờ dụng cụ chuyên khoa đặc biệt. Người bệnh có thể cần dùng thuốc nhỏ mắt có chứa màu nhuộm sinh học, điều này giúp bác sĩ xem xét vết tổn thương ở giác mạc dễ dàng và chính xác hơn.
Khi xác định được những tổn thương mắt và loại dị vật, bác sĩ nhãn khoa có thể đưa ra phương pháp điều trị và xử lý phù hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ có thành phần steroid hoặc kháng viêm không kháng sinh để giảm sưng, viêm và phòng ngừa sẹo giác mạc.
Bạn có thể được chỉ định dùng thuốc uống để giảm đau và giảm kích ứng. Trường hợp bị găm sâu vào mắt có thể cần sử dụng đến phương pháp phẫu thuật.
Đối với người không đeo contactlens
– Cần tiến hành tra mỡ kháng sinh, băng ép trong 24h (Băng ép không áp dụng đối với vết trợt nhiễm trùng).
– Khi có vết trợt nhỏ, không ở trung tâm nên bỏ băng sau 24h, nhỏ kháng sinh 4 lần/ ngày x 7 ngày.
– Khi có vết trợt rộng và ở trung tâm: Tái khám ngày thứ 5 xem liệu biểu mô có tái tạo lại chưa.
– Nếu vết trợt lành hoặc chưa viêm giác mạc nông còn lại điều trị nhỏ kháng sinh kéo dài thêm 5 ngày nữa.
– Nếu vệt trợt rộng hoặc vùng trung tâm còn bắt màu, tiếp tục dùng thuốc mỡ kháng sinh, băng ép và tái khám trong những ngày tiếp theo.
Đối với người đeo contactlens
– Cần kháng sinh nhỏ mắt 4 – 6 lần/ ngày và không băng mắt, theo dõi sau 24 giờ.
– Yêu cầu bệnh nhân tái khám cho tới khi lành vết thương.
– Bệnh nhân có thể đeo contactlens sau khi mắt có cảm giác lành hoàn toàn sau 3 – 4 ngày.
– Nếu giác mạc có thẩm lậu, nhu mô bị tổn thương cần tiến hành nuôi cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ và điều trị tích cực.
Bên cạnh đó, bạn nên duy trì các thói quen sinh hoạt để quá trình điều trị được hiệu quả như:
– Dùng thuốc mỡ và thuốc nhỏ mắt đúng hướng dẫn, đồng thời uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
– Luôn cho mắt nghỉ ngơi sau khi làm việc quá lâu.
– Báo với bác sĩ nếu bạn cảm thấy mắt trở nên đau, kích ứng hơn hoặc tình trạng trợt biểu mô giác mạc nặng thêm.
– Luôn đeo kính bảo hộ khi làm việc.
Tài liệu tham khảo:
http://www.emedicinehealth.com/corneal_abrasion/page6_em.htm#corneal_abrasion_diagnosis
http://www.webmd.com/eye-health/corneal-abrasions
https://www.allaboutvision.com/conditions/corneal-abrasion.htm
https://www.healthline.com/symptom/corneal-abrasion
https://emedicine.medscape.com/article/1195402-overview
https://www.health.harvard.edu/a_to_z/corneal-abrasion-a-to-z
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2866569/
https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-corneal-abrasion