Thoái hóa kết mạc những nguyên nhân và cách phòng ngừa
Kết mạc là gì?
Kết mạc là màng mỏng, trong suốt bao phủ lên phần tròng trắng của mắt, mặt trong mi mắt, đảm bảo cho mi mắt không dính chặt vào nhãn cầu và có thể trơn trượt dễ dàng trên bề mặt nhãn cầu mà không gây tổn thương gì cho giác mạc.
Các thoái hóa kết mạc thường gặp
Mộng mỡ
Mộng mỡ là phần kết mạc nhãn cầu dày lên, điển hình ở kết mạc rìa vị trí 3h và 9h. Mộng mỡ có thể bị một bên hoặc 2 bên, thường gặp hơn ở phía mũi.
Nguyên nhân: không rõ nguyên nhân. Yếu tố nguy cơ của mộng mỡ liên quan đến tần xuất tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, gió, bụi. Mộng mỡ thường gặp phổ biến ở người trưởng thành.
Triệu chứng: thường không có triệu chứng. Mộng mỡ có thể bị viêm gây kích thích, cộm mắt, cảm giác như có cát trong mắt.
Điều trị: Mộng mỡ hầu hết không cần điều trị. Sử dụng nước mắt nhân tạo trong trường hợp mộng mỡ bị kích thích, điều trị corticoid nhẹ và ngắn ngày nếu mộng mỡ bị viêm. Chỉ định cắt mộng mỡ khi mộng mỡ gây kích thích nhiều hoặc lý do thẩm mỹ.
Mộng thịt
Mộng thịt là sự tăng sinh kết mạc nhãn cầu ở góc ngoài hoặc góc trong của mắt từ kết mạc rìa hướng vào trung tâm giác mạc. Bệnh có thể tiến triển rất chậm trong nhiều năm. Bệnh có thể bị ở cả 2 mắt.
Nguyên nhân: nguyên nhân chính xác của mộng thịt chưa rõ ràng. Mộng thịt thường gặp trên những người tiếp xúc nhiều với tia cực tím, những người sống ở vùng khí hậu ấm áp tiếp xúc nhiều gió bụi.
Triệu chứng: mộng thịt thường không có triệu chứng. Phần mộng thịt xâm lấn vô giác mạc làm bề mặt giác mạc không đều nên phim nước mắt không được giàn đều trên giác mạc dẫn đến khô mắt. Mắt dễ bị kích thích, đỏ mắt, cộm xốn, chảy nước mắt đặc biệt khi bị nước vào mắt, gió bụi vào mắt.
Điều trị: mộng thịt chỉ can thiệp phẫu thuật khi phần mộng phát triển nhiều vào giác mạc, có hay không kèm che diện đồng tử, mộng gây đỏ, cộm, người bệnh thấy không thoải mái. Mộng thịt có nguy cơ tái phát lại sau mổ. Người bị mộng thịt nên đội mũ có vành, đeo kính râm khi đi ngoài trời nắng để tránh ánh sáng cực tím.
Sạn vôi
Sạn vôi là những nốt màu trắng vàng nhỏ thường ở kết mạc mi mắt. Sạn vôi có thể gặp ở cả mi trên và mi dưới, thường gặp ở mi trên.
Nguyên nhân của sạn vôi thường kết hợp theo tuổi và phản ứng viêm mạn tính. Những bệnh lý viêm kéo dài như viêm kết mạc mạn tính ( ví dụ: mắt hột hoặc viêm kết mạc mùa xuân), viêm kết mạc dị ứng nặng, và bệnh lý tuyến meibomius. Ngoài ra, sạn vôi còn hình thành do sự lắng đọng của thuốc nhỏ mắt ( ví dụ: sulfadiazine).
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí và hưởng các ưu đãi
Triệu chứng: sạn vôi thường không có triệu chứng và thường được chẩn đoán tình cờ qua những lần khám mắt. Một số bệnh nhân than phiền cộm xốn, kích thích, cảm giác có dị vật trong mắt.
Điều trị: Sạn vôi thường không cần điều trị vì không có triệu chứng và thường nằm dưới biểu mô. Sạn vôi cần được lấy nếu nó làm đội thủng lớp biểu mô hoặc khi sạn vôi làm bệnh nhân khó chịu nhiều (kích thích, cảm giác có dị vật). Sạn vôi được lấy bằng panh hoặc kim nhỏ sau khi được nhỏ tê. Sau khi lấy sạn vôi cần nhỏ thuốc kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
Sa kết mạc (Conjunctivochalasis)
Sa kết mạc thường xuất hiện dưới dạng một nếp gấp kết mạc dư thừa, gồ lên ở viền mi mắt, nằm giữa mi dưới và nhãn cầu.
Triệu chứng: thay đổi từ không có triệu chứng gì đến đến tình trạng phim nước mắt không ổn định, cộm xốn, chảy nước mắt.
Điều trị: nước mắt nhân tạo, điều trị các tình trạng viêm bờ mi nếu có. Cắt kết mạc nếu sa kết mạc mức độ nặng.
Phòng ngừa thoái hóa kết mạc
Thoái hóa kết mạc là bệnh về mắt thường gặp ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, không biết giữ gìn vệ sinh mắt đúng cách. Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, sau khi tiếp xúc bụi bẩn, hoặc bụi bay vào mắt nên rửa sạch mắt bằng nước sạch, tốt nhất là nước muối sinh lý.
Khi ra đường, đeo kính râm có hoặc không kèm chống tia UV bảo vệ mắt, đồng thời tránh gió bụi. Nếu mắt bị ngứa, rửa mắt sạch, xoa nhẹ bên ngoài, tuyệt đối không được dụi mắt.
Bs.Bùi Thị Hải Yến
TÀI LIỆU THAM KHẢO