Tăng sinh dịch kính võng mạc: Bệnh dễ gây mù lòa
Tăng sinh dịch kính võng mạc là một trong những biến chứng thường gặp sau phẫu thuật bong võng mạc, xảy ra khi mô sẹo hình thành ở trên hoặc dưới võng mạc co rút khiến cho võng mạc khó lành và làm tăng nguy cơ bong lại.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Đông Nam Á là vùng có tỷ lệ mù lòa cao nhất, chiếm 28%. Trong đó các bệnh về dịch kính võng mạc là một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu, điển hình là thoái hóa điểm vàng ở người già (AMD) chiếm 8,7%, võng mạc tiểu đường chiếm 4,8%.
Tăng sinh dịch kính võng mạc là gì?
Tăng sinh dịch kính võng mạc (PVR) là biến chứng của bệnh lý bong võng mạc, xuất huyết pha lê thể. Bệnh xảy ra khi mô sẹo hình thành ở trên hoặc dưới võng mạc, khiến cho võng mạc khó lành và làm tăng nguy cơ bong lại.
Nguyên nhân tăng sinh dịch kính võng mạc
Một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tăng sinh dịch kính võng mạc là hậu quả của việc điều trị bong võng mạc thất bại. Khi đó có một lỗ thủng trên võng mạc, các tế bào mà thông thường cư trú dưới võng mạc đi vào bên trong cầu mắt và nằm trên bên trong lớp mắt trên cùng của võng mạc.
Các tế bào này sinh sôi nảy nở và tạo thành vết sẹo trên (hoặc dưới) bề mặt của võng mạc. Sau đó mô sẹo này co rút và bong tách ra khỏi võng mạc ở tận trong cùng các vách của mắt, tạo thành tình trạng bong võng mạc lần hai.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ tăng sinh dịch kính võng mạc
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị tăng sinh dịch kính võng mạc cũng tương tự với bong võng mạc, bao gồm cận thị nặng, gia đình có tiền sử bệnh và biến chứng sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, nhất là do rách phần lớn võng mạc hay bong võng mạc mà không được cải thiện sớm hoặc là hậu quả của việc dùng các phương pháp hỗ trợ cải thiện vong võng mạc thất bại.
Bong võng mạc cũng có thể do các bệnh lý khác ở mắt như khối u ở mắt, viêm nặng hay các biến chứng từ bệnh tiểu đường. Phát hiện và điều trị bệnh bong võng mạc sớm có thể ngăn ngừa tăng sinh dịch kính võng mạc PVR. Vì thế, kiểm tra mắt định kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong phòng bệnh.
Triệu chứng của tăng sinh dịch kính võng mạc
Tăng sinh dịch kính võng mạc có thể gây mất thị lực từ không nghiêm trọng đến nghiêm trọng, nhưng mất thị lực nghiêm trọng thường không phổ biến. Mắt bạn có thể nhận thấy tầm nhìn bị mờ đi hoặc bị biến dạng nhẹ, có thể nhìn đường thẳng thành lượn sóng.
Bạn có thể gặp khó khăn khi nhìn chi tiết và đọc bản in nhỏ. Ngoài ra, mắt có thể xuất hiện một vùng màu xám ở trung tâm tầm nhìn hoặc thậm chí là một điểm mù (ám điểm).
Điều trị bệnh tăng sinh dịch kính võng mạc
Tăng sinh dịch kính võng mạc có thể được điều trị bằng thủ thuật cắt bỏ dịch kính, một hình thức phẫu thuật nội soi sử dụng que tăm nhỏ đưa vào bên trong mắt để cắt bỏ dịch kính hoặc thắt đai củng mạc, một phương pháp phẫu thuật sử dụng chất silcon bên ngoài cầu mắt.
Nếu thực hiện thủ thuật cắt bỏ dịch kính, chất khí hay chất lỏng silicon thường được dùng để thay thế chất dịch bên trong mắt. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần nằm ở vị trí úp mặt trong một đến hai tuần. Bác sĩ sẽ không chỉ định mổ nếu như bệnh đã nặng và khả năng hồi phục ít. Tỉ lệ thành công trong việc cải thiện thị lực khoảng từ 60 đến 80% phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.
Võng mạc luôn là một trong những phần quan trọng nhất của mắt. Nhiều bệnh lý võng mạc có liên quan đến yếu tố di truyền và yếu tố gia đình (thói quen, sinh hoạt), người thân trong gia đình cần có sự quan tâm, người bệnh đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc mắt để phòng các bệnh lý võng mạc nói chung.
Chế độ sinh hoạt hạn chế diễn tiến của bệnh tăng sinh dịch kính võng mạc
Mang kính bảo hộ khi chơi thể thao hoặc sử dụng các dụng cụ bảo hộ.
Nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn cần kiểm soát lượng đường trong máu và thường xuyên khám bác sĩ.
Thường xuyên khám mắt, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh lỗ hoàng điểm.
Ths.BS Nguyễn Phú Tùng