Tại sao đục thủy tinh thể lại được gọi là cườm khô?
Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt trong mắt, được cấu tạo từ các protein, có chức năng giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc, từ đó giúp mắt nhìn rõ. Khi các protein ở thủy tinh thể bị vón cục sẽ dẫn đến tình trạng thuỷ tinh thể bị mờ, đục và ánh sáng rất khó đi qua gây ra sự suy giảm thị lực,và thậm chí có thể gây mù lòa. Bệnh lý này được gọi là đục thủy tinh thể và thường gặp ở người sau 50 tuổi.
Trong dân gian bệnh đục thủy tinh thể có nhiều tên gọi khác như cườm mắt, cườm khô, cườm đá… Hiện tại, chưa có tài liệu nào giải thích chính xác về lý do có tên gọi “cườm khô”. Tuy nhiên có thể suy diễn rằng chữ “cườm” mô tả khá đúng màu trắng của thủy tinh thể khi đục trắng phồng. Mặt khác, hình dáng và kích thước của thủy tinh thể khi bị đục cũng gần giống hạt cườm thường được sử dụng trong trang sức, các vật trang trí. Có thể vì lẽ đó, dân gian đã lấy hình ảnh ấy để gọi tên cho bệnh lý đục thủy tinh thể.
Các dấu hiệu để nhận biết bệnh đục thủy tinh thể: nhìn mờ, hình ảnh không rõ nét; nhìn như có màn sương che trước mắt; nhìn cảnh vật bị ám vàng hoặc cảm với ánh sáng, lóa mắt.
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí và hưởng các ưu đãi
Khi gặp phải các triệu chứng này, bạn nên tới ngay các bệnh viện mắt để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp. Ngoài ra, để phòng ngừa và làm chậm lại tiến trình đục thủy tinh thể, bạn cũng có thể bổ sung thêm vitamin C, E, A, lutein, kẽm zeaxanthin có trong rau xanh, ngũ cốc, trái cây, cá…Hạn chế ăn thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn đồ ngọt.
Việc thăm khám mắt định kỳ rất cần thiết và là phương pháp hữu hiệu để tầm soát các bệnh về mắt kịp thời, giúp bạn trì đôi mắt sáng và khỏe mạnh.