Sử dụng thuốc điều trị bệnh mắt đúng cách
Thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh mắt có nhiều dạng, nhưng phổ biến là: dạng lỏng để nhỏ trực tiếp vào mắt, dạng đặc để bôi (tra) mắt, và cả hai loại đều thuốc nhóm thuốc có tác dụng tại chỗ.
Có những bệnh mắt mà người bệnh chỉ cần dùng một loại thuốc, nhưng có những khi bệnh nhân phải dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt, tra mắt phối hợp mới có thể khỏi bệnh. Sử dụng đúng cách, đúng liều lượng là điều bắt buộc để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Nhóm thuốc có tác dụng tại chỗ có ưu điểm là thuận tiện, dễ sử dụng. Khi nhỏ hoặc tra mắt, dược chất sẽ tập trung chủ yếu ở mắt, chỉ có một phần rất nhỏ hấp thu vào tuần hoàn máu, ít ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, vì thế hạn chế được nhiều tác dụng phụ.
Thuốc nhỏ mắt: Chiếm trên 70% các chế phẩm thuốc dùng cho mắt. Thuốc này được sử dụng để nhỏ vào túi kết mạc. Một lọ thuốc nhỏ mắt có thể chứa một hay nhiều dược chất. Người bệnh có thể lấy tay kéo nhẹ mi dưới, nhỏ 1 đến 2 giọt thuốc vào mắt mà không cần sự trợ giúp của nhân viên y tế. Ngoài ra, trong chẩn đoán bệnh, một số loại thuốc cũng được sử dụng để nhỏ cho bệnh nhân, hỗ trợ trong quá trình khám và kiểm tra thị lực.
Thuốc mỡ tra mắt: Thuốc được bào chế đặc, dạng tuýp để tra vào mắt. Nhiều người không thích dùng thuốc mỡ tra mắt vì sau đó mắt khó mở, mắt có khi bóng nhãy… Tuy nhiên thuốc mỡ lại có những ưu điểm của nó như: thời gian tiếp xúc của thuốc với niêm mạc mắt kéo dài, ít bị pha loãng bởi nước mắt, không bị loại trừ theo ống mũi lệ, thuốc được giải phóng từ từ do tác động của mỗi lần chớp mắt…
Cách khắc phục nhược điểm phiền toái của thuốc mỡ là: dùng vào buổi trưa, tối trước khi bệnh nhân đi ngủ.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt
Việc dùng thuốc mắt nào sẽ do bác sĩ chỉ định và bệnh nhân cần tuân theo chỉ định ấy. Có một số điều bệnh nhân cần lưu ý như sau khi sử dụng thuốc mắt:
-Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi sử dụng. Dù một số loại chế phẩm nhỏ mắt có thể dùng lâu dài, không cần kê đơn (ví dụ như nước muối sinh lý), nhưng chỉ nên dùng trong vòng 1 tháng sau khi mở nắp. Tốt nhất là ngay khi mở nắp lọ (hộp) thuốc, lấy bút ghi ngày mở nắp vào để tiện theo dõi.
-Rửa tay sạch trước khi nhỏ mắt, tra thuốc mắt.
-Không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt để tránh nhiễm khuẩn.
-Không dùng chung thuốc mắt với người khác để tránh lây nhiễm chéo các vi khuẩn, virus.
-Nếu thuốc ở dạng hỗn dịch, hãy lắc đều lọ thuốc trước khi nhỏ mắt.
– Khi nhỏ thuốc, nên nghiêng đầu về phía sau, dùng tay nhẹ nhàng kéo mi dưới và nhỏ 1 hoặc tối đa 2 giọt thuốc. Không nhỏ thuốc lên giác mạc (là phần tròng đen của mắt).
Sau khi nhỏ thuốc nên dùng tay chặn điểm lệ vùng góc trong mắt để giảm lượng nước mắt đi qua và giảm hấp thu toàn thân của thuốc hoặc bệnh nhân. Nên nhắm mắt trong khoảng 10 giây, sau đó mới mở mắt và chớp mắt như bình thường.
-Không dùng cùng lúc hai thuốc, đặc biệt là với thuốc nhỏ mắt. Nên cách quãng ít nhất là 10 phút rồi mới dùng tiếp loại thứ 2. Nếu phải dùng cả thuốc dạng lỏng để nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt, nên dùng thuốc nhỏ trước, sau đó mới dùng thuốc mỡ.
-Không nhỏ thuốc khi đang dùng kính áp tròng.
BS. Nguyễn Thị Phương