Quặm mi ở trẻ em và người lớn

Quặm mi là hiện tượng cuộn bờ mi vào trong nhãn cầu. Hậu quả của việc này là lông mi sẽ cọ xát vào giác mạc (tròng đen) và kết mạc (tròng trắng), gây tổn thương mắt. Quặm mi có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh (quặm bẩm sinh), hoặc quặm ở người già (do sự lỏng lẻo của các mô nâng đỡ mi do lão hóa, do đau mắt hột, chấn thương…).

Quặm mi bẩm sinh

Quặm bẩm sinh gặp ở trẻ em từ khi mới sinh ra, có thể phát triển ngày càng nặng thêm nếu không được điều trị. Tỷ lệ quặm bẩm sinh mi dưới ở trẻ em là khoảng 2 % (Theo Bệnh viện Mắt Trung ương). Khi bị quặm trẻ khó chịu hay dụi mắt, chảy nước mắt gây viêm kết mạc, trợt biểu mô và nặng hơn là viêm loét giác mạc để lại sẹo gây giảm thị lực. Đến nay điều trị quặm vẫn chủ yếu là phẫu thuật.

Biểu hiện lâm sàng

Triệu chứng quặm mi bẩm sinh

Bệnh hay gặp ở những trẻ có khuôn  mặt bụ bẫm, gốc mũi thấp, tẹt. Do hàng lông  mi cọ sát vào giác mạc làm trẻ khó chịu luôn luôn dụi mắt. Mắt kích thích gây chảy nước mắt, đỏ mắt, có thể có dử, nếu kéo dài có thể gây viêm kết mạc.

Nếu không được điều trị, lông  mi làm tổn thương giác mạc, gây trợt giác mạc. Nếu bệnh tiến triển nặng và kéo dài có thể gây viêm loét giác mạc để lại sẹo làm giảm thị lực.

quặm mi bẩm sinh

Trẻ bị quặm mi thường hay dụi mắt

Đánh giá chiều dài và mức độ quặm trên lâm sàng

Chiều dài của quặm: Từ điểm lệ quản ra phía ngoài chia 4 mức độ:

– Mức độ I: Quặm chiếm ¼ chiều dài bờ mi.

– Mức độ II: Quặm chiếm 1/3 chiều dài bờ mi.

– Mức độ III: Quặm chiếm ½ chiều dài bờ mi.

– Mức độ IV: Quặm chiếm 2/3 chiều dài bờ mi đến cả mi.

Mức độ quặm: Tính bằng da mi thừa.

– Độ I: Thừa khoảng ≤ 2mm da mi.

– Độ II: Thừa khoảng 3mm da mi.

– Độ III: Thừa khoảng ≥ 3mm da mi.

Phân biệt quặm mi bẩm sinh

-Tật nếp da thừa (giả quặm bẩm sinh).

+Tật nếp da thừa là sự phát triển bất thường đặc trưng bằng sự xuất hiện một nếp da chạy ngang qua mi trên hoặc mi dưới làm cho lông mi bị chuyển hướng về phía bề mặt nhãn cầu.

+Sự khác biệt giữ quặm bẩm sinh và tật nếp da thừa là vị trí bờ mi: bờ mi lộn vào trong là quặm bẩm sinh, còn tật nếp da thừa, bờ mi vẫn ở vị trí bình thường.

+Tật nếp da thừa: hàng lông mi không cọ sát vào giác mạc trừ khi mắt nhìn xuống dưới.

+Tật nếp da thừa thường không cần điều trị vì nó có thể tự khỏi trong vòng 2 năm đầu.

– Cần phải phân biệt trẻ bị quặm bẩm sinh với trẻ bị tắc lệ đạo. Ở trẻ bị tắc lệ đạo cũng thường có chảy nước mắt kéo dài, ra dử mắt, nhưng không gây đỏ mắt.

Khi thăm khám nếu trẻ không phối hợp, quấy khóc nhiều, mắt nhắm thì có thể chẩn đoán nhầm với quặm bẩm sinh. Thăm khám kỹ kết hợp với bơm rửa lệ đạo có thể giúp chẩn đoán phân biệt với quặm bẩm sinh.

-Cần lưu ý phân biệt quặm bẩm sinh với tật hai hàng lông mi. Tật hai hàng lông mi là tình trạng xuất hiện một hàng lông mi thứ hai ngay phía sau hàng lông mi thứ nhất bình thường.

Dị tật này có thể xuất hiện đơn độc hoặc đi kèm với những bất thường bẩm sinh khác, nhiều tác giả cho rằng bệnh có liên quan đến di truyền nhiễm sắc thể thường.

Ðiều trị quặm mi bẩm sinh

-Ở những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi,  lông mi chưa đủ cứng để gây tổn hại giác mạc do đó có thể cho trẻ tra thuốc (dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch kháng sinh như tobrex).

Ngoài ra cần hướng dẫn cho bố mẹ trẻ cách vuốt bờ mi nhằm mục đích làm cho bờ mi bật ra ngoài, lông mi không cọ vào giác mạc tránh tổn hại giác mạc. Nếu bệnh không tự mất đi thì có thể chờ khi trẻ lớn hơn để phẫu thuật.

-Phẫu thuật điều trị quặm bẩm sinh được thực hiện tại các bệnh viện mắt là phẫu thuật tương đối đơn giản, thời gian phẫu thuật ngắn, không để lai sẹo gây mất thẩm mỹ.

Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như hay dụi mắt, chảy nước mắt cần đưa trẻ đến các cơ sở nhãn khoa để được khám và điều trị.

Quặm mi ở người lớn

Quặm do tuổi già thường ở mi dưới. Phần lớn quặm tuổi già là ở trên những mắt bị lõm do tiêu mỡ hốc mắt, làm mất chỗ dựa phía sau của mi khiến cho bờ mi bị đổ ra sau và vào trong. Hàng lông mi cọ vào bề mặt của nhãn cầu, gây chảy nước mắt, tiết dử mắt. Mi có thể cọ vào giác mạc, gây viêm giác mạc kéo dài.

Quặm mi

Quặm mi ở người già

Phân loại theo nguyên nhân

Thể co quắp: hậu quả của viêm kết mạc, viêm giác mạc, sau phẫu thuật

Thể nhão: phần lớn gặp ở người già gây quặm cuộn mi xuất hiện ở mi dưới hậu quả của:

(1) Nhão phần dọc do hở chỗ gắn bờ mi dưới của màng xơ căng mi dưới còn gọi dây chằng bao mi (màng xơ xuất phát từ bao cơ trực dưới và chéo dưới)

(2) Nhão phần ngang do nhão cơ vòng và các dây chằng mi trong, mi ngoài.

Quặm mi

Quặm mi dưới 2 mắt thể nhão

Thể sẹo: bỏng hóa chất, chấn thương , do mắt hột.

Quặm mi

Quặm mi trên dưới do mắt hột

Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng chung thường gặp như cương tụ kết mạc, cảm giác ngoại vật, chảy nước mắt sống, sợ ánh sáng. Đối với quặm cuộn mi người già, có các đặc điểm lâm sàng sau:

Quặm mi

A:cuộn mi càng lộ rõ khi nhìn xuống.

B:kết mạc bị đỏ vì không còn dây chằng bao mi che lớp cơ vòng.

C:khi đó ở mắt lành kết mạc không bị đỏ vì có dây chằng bao mi che chắn.

Để đánh giá tình trạng nhão dây chằng mi trong mi ngoài người ta thực hiên 2 nghiêm  pháp sau:

-Nghiệm pháp kéo mi ra trước (forward distraction test): nếu mí dưới tách rời khỏi nhãn cầu > 10mm là bất thường

quặm mi

Nghiệm pháp kéo mi ra trước

-Nghiệm pháp kéo mi xuống dưới (Snapback test)

quặm mi

Dùng 2 ngón trỏ kéo phần chính giữa mi xa khỏi nhãn cầu.Sau đó buông tay ra, nếu tình trạng nhão mi hiên diện (nhão phần ngang tức nhão gân mi trong và mi ngoài) mi vẫn rời  khỏi nhãn cầu, chúng chỉ  trở về vị trí ban đầu khi nháy mắt 2 lần

Điều trị quặm mi ở người lớn

– Cách điều trị quặm mi là loại trừ hoặc làm giảm bớt các nguyên nhân trên Cách điều trị quặm mi dưới ở người cao tuổi là loại trừ hoặc làm giảm bớt những nguyên nhân trên, như phẫu thuật rút ngắn mi để điều trị nhão mi phối hợp với tạo lại chỗ bám của cơ kéo mi dưới hoặc loại trừ tác nhân gây co quắp.

– Dùng một số thuốc nước mắt nhân tạo hoặc mỡ dưỡng mắt kéo dài: 

+Điều trị các bệnh viêm kết mạc, bệnh mắt hột như kháng sinh, kháng viêm.

+Dưỡng mắt với nước mắt nhân tạo.

– Việc xoa bóp nhẹ nhàng vùng quanh mi thường xuyên cũng có tác dụng làm giảm sự khó chịu ở ngươi cao tuổi bị quặm mi dưới.

– Phẫu thuật tùy thuộc vào nguyên nhân bởi các Bác Sỹ chuyên khoa

Biên tập TTT

Tài liệu tham khảo:

Bệnh viện mắt Trung ương – http://vnio.vn/

Senile Entropion – Lester T. Jones, Merrill J. Reeh, John L. Wobig – See more

Suture Repair of Entropion – Marvin H. Quickert, MD; Earl Rathbun, MD – See more

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470352/

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/entropion/symptoms-causes/syc-20351125

Chia sẻ: