Phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị
Có rất nhiều lý do khiến một người có thể bị khiếm thị như: bẩm sinh, bệnh lý, sau tai nạn… Phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị là điều cần làm, giúp người khiếm thị có thể nhìn tốt hơn.
Cải thiện sức nhìn cho người khiếm thị
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 2 triệu người khiếm thị. Vì vậy, phục hồi chức năng cho người khiếm thị đóng vai trò quan trọng trong công tác chống mù lòa, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu “Thị giác 2020 – Quyền được nhìn thấy”.
Theo các nhà khoa khọc, 80% thông tin từ bên ngoài được con người tiếp nhận thông qua hệ thống thị giác. Bởi vậy khi hệ thống thị giác không hoàn chỉnh sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng truyền thông tin lên vỏ não, ảnh hưởng trực tiếp tới những hoạt động trong cuộc sống.
Theo Tổ chức y tế thế giới (1992), một người được gọi là khiếm thị khi chức năng thị giác của người đó bị giảm nặng, thậm chí ngay cả khi đã được điều trị và điều chỉnh tật khúc xạ tốt nhất nhưng thị lực ở mắt tốt chỉ ở mức dưới 6/18 (khoảng 3/10) cho đến còn phân biệt sáng tối và/hoặc thị trường bị thu hẹp dưới 10 độ kể từ điểm định thị.
Khi thị giác bị tổn hại sẽ gây rất nhiều khó khăn trong cuộc sống độc lập hàng ngày của người khiếm thị, cản trở những hoạt động như đọc, viết, ăn, khâu vá, đi du lịch, giao tiếp và tiếp xúc với người khác. Việc trợ thị cho những người khiếm thị giúp họ có thể sử dụng phần thị giác ít ỏi của mình tốt hơn, giúp họ bớt khó khăn trong cuộc sống độc lập.
Tùy từng trường hợp, bệnh lý mà có mức độ khiếm thị khác nhau. Nhìn chung, người khiếm thị là người thiệt thòi trong xã hội. Cha mẹ có thể phát hiện sớm khi thấy mắt trẻ rung rinh, không nhìn theo vật, không nhìn rõ khi chiều tối…
Ngoài bẩm sinh, có nhiều nguyên nhân gây khiếm thị như: mắc bệnh cận thị nặng, có sẹo giác mạc, đục thể thuỷ tinh, mắc bệnh võng mạc sắc tố, bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thoái hoá hoàng điểm, glôcôm, bạch tạng… Tuỳ thuộc vào mức độ của bệnh mà có thể gây khiếm thị ở mức độ nhẹ, vừa, nặng và rất nặng.
Phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị không phải là thay đổi tình trạng thị giác cho bệnh nhân, mà là dùng các kính trợ thị để cải thiện sức nhìn, hướng dẫn luyện tập cách sử dụng từng loại trợ thị cho từng hoạt động trong cuộc sống.
Hướng dẫn cho bệnh nhân cách cải thiện môi trường nhìn, cách định hướng di chuyển… để họ có thể độc lập trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng sống
Các thiết bị được sử dụng để trợ thị cho người khiếm thị
Theo các chuyên gia, phương pháp phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị gồm 4 bước: đánh giá các tổn hại thị giác chủ quan; các tổn hại thị giác khách quan; chỉ định các dụng cụ trợ thị và hướng dẫn các kỹ năng nhìn, kỹ năng phục vụ và cải thiện môi trường sống phù hợp với người khiếm thị.
Hiện nay, y học phát triển, nhiều sáng chế được phát minh, cải tiến. Các công ty thiết bị y tế sản xuất ra rất nhiều loại thiết bị để trợ thị cho người khiếm thị. Trong số này, phải kể đến:
– Các kính trợ thị quang học phóng đại: Đây là loại trợ thị phổ biến nhất và cho hiệu quả cao nhất, được ứng dụng trong phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị. Bản chất cấu tạo của kính trợ thị quang học phóng đại là dựa trên cơ chế phóng đại của các thấu kính hoặc hệ thống thấu kính, gồm các loại kính:
– Kính có tác dụng trợ thị gần: Kính gọng phóng đại, kính hiển vi nhìn gần, kính lúp…
– Kính có tác dụng trợ thị xa hoặc mở rộng trường nhìn: Kính viễn vọng…
– Các thiết bị trợ thị phi quang học:
+ Kính lọc màu
+ Sách in cỡ chữ to
+ Máy phóng đại: máy chiếu, vi tính
+ Đèn chiếu sáng
+ Giá đọc sách…
– Các thiết bị hỗ trợ ngoài thị giác: thiết bị hỗ trợ xúc giác (như gậy, điện thoại phím nổi…), hỗ trợ thính giác (như đài, ti vi, máy tính phát âm…)
Hỗ trợ người khiếm thị để họ có thể nhìn tốt hơn là điều cần thiết, nhân văn, đặc biệt với đối tượng trẻ em. Trẻ khiếm thị cần được khám, chỉ định các phương pháp trợ thị và hướng dẫn các kỹ năng tự phục vụ để có thể học tập, hòa nhập ở các trường bình thường.
Vì vậy chúng ta cần thúc đẩy chính sách giúp người khiếm thị tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và phục hồi thị lực. Điều này sẽ giúp họ sớm hòa nhật cộng đồng, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống.
BS Nguyễn Thị Phương