Biến chứng phù hoàng điểm ở bệnh nhân đái tháo đường

Phù hoàng điểm là bệnh về mắt thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Khi bị phù hoàng điểm do đái tháo đường, các  mạch máu vùng võng mạc bị tổn thương gây rò rỉ dịch, làm phù hoàng điểm và dẫn đến suy giảm thị lực trung tâm.

Phù hoàng điểm do đái tháo đường có thể dẫn đến mù lòa không hồi phục nếu không kịp thời phát hiện và điều trị.

Nguy cơ phù hoàng điểm khi đái tháo đường

phù hoàng điểm

Bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường có thể xảy ra ở cả đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Khoảng 8% bệnh nhân đái tháo đường bị phù hoàng điểm làm suy giảm thị lực.

Võng mạc là lớp mô thần kinh của mắt, hoạt động như một cuốn phim trong máy quay. Khi ánh sáng đi vào trong mắt, nó xuyên qua giác mạc và thủy tinh thể và được hội tụ trên võng mạc. Hoàng điểm là vùng trung tâm của võng mạc, đảm nhiệm chức năng thị giác rõ nét và quan trọng nhất của võng mạc.

Bệnh đái tháo đường khiến tổn thương mạch máu, trong đó có hệ mạch võng mạc, gây tắc nghẽn vi mạch, rò rỉ dịch. Hậu quả là làm tích tụ dịch tại hoàng điểm, dẫn đến phù hoàng điểm.

Khoảng gần 50% bệnh nhân bị võng mạc tiểu đường có biến chứng phù hoàng điểm. Nguy cơ phù hoàng điểm tăng khi bệnh võng mạc tiểu đường càng nặng thêm. Nhưng biến chứng này có thể gặp ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh võng mạc tiểu đường.

Dấu hiệu bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường

dấu hiệu phù hoàng điểm

Bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng báo hiệu sớm. Bệnh nhân thường chỉ đến khám và được chẩn đoán khi bệnh đã có biến chứng giảm thị lực.

Dấu hiệu bệnh mà bệnh nhân cảm nhận được là:

-Mất thị lực từng mảng

-Nhìn mờ

-Nhìn đục

-Khó phân biệt được màu sắc …

Tuy nhiên, khi có những triệu chứng trên thì thị lực đã giảm. Việc điều trị ở giai đoạn này gặp nhiều khó khăn và hiệu quả thấp hơn so với điều trị sớm – tức là khi có bệnh nhưng bệnh nhân chưa cảm nhận được gì.

Vì vậy, tốt nhất là bệnh nhân có bệnh tiểu đường cần đi khám mắt định kỳ để được tầm soát bệnh, điều trị ngay khi bệnh ở giai đoạn nhẹ.

Điều trị phù hoàng điểm ở bệnh nhân đái tháo đường

điều trị phù hoàng điểm

-Laser hoàng điểm (tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là để lại sẹo trên võng mạc, chỉ điều trị hết phù chứ và không giúp cải thiện thị lực).

-Tiêm thuốc nội nhãn: Thị lực của bệnh nhân có thể được cải thiện và duy trì tốt hơn, nhưng phải tiêm nhiều lần kết hợp với theo dõi chặt chẽ. Thuốc cũng có thể có những tác dụng phụ không mong muốn.

-Phẫu thuật cắt dịch kính: Chỉ định hạn chế.

Điều trị sớm bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường giúp bệnh nhân bảo tồn và/hoặc cải thiện thị lực.

Phòng ngừa bệnh

phòng ngừa phù hoàng điểm

-Kiểm soát tốt đường huyết và các yếu tố nguy cơ khác đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…

-Không hút thuốc lá,

-Tích cực vận động thể dục thể thao.

-Kiểm soát tốt cân nặng. Không để thừa cân béo phì.

-Khám mắt định kỳ. Bệnh nhân đái tháo đường type 1 sau khi phát hiện bệnh 3-5 năm nên khám chuyên khoa mắt và sau đó khám mắt định kỳ ít nhất 1 năm/lần. Còn đối với đái tháo đường type 2 nên khám mắt lần đầu ngay khi phát hiện bệnh và theo dõi hàng năm.

Nói chung, sau một thời gian mắc tiểu đường, biến chứng tại mắt có thể xảy ra tùy thuộc vào mức độ kiểm soát bệnh của bệnh nhân. Phát hiện sớm biến chứng võng mạc tiểu đường tại mắt sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Khám tầm soát bệnh võng mạc tiểu đường cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa đáy mắt. Khi khám, bác sĩ sẽ cho nhỏ thuốc dãn đồng tử để kiểm tra đáy mắt. Thời gian tái khám theo dõi, can thiệp điều trị sau đó tùy thuộc vào mức độ tổn thương võng mạc.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

Ths.Bs Nguyễn Trần Quốc Hoàng

Tài liệu tham khảo.

http://www.vnio.vn/hoi-thao-khoa-hoc-%E2%80%9Cbuoc-dot-pha-trong-dieu-tri-cac-benh-ly-vong-mac%E2%80%9D

Chia sẻ: