Phù gai thị: Chẩn đoán và điều trị
Khi có dấu hiệu sưng phù thần kinh thị giác (dây II) bởi các tổn thương chèn ép thần kinh thị hoặc tăng áp lực nội sọ, tức là bạn đang bị bệnh phù gai thị.
Phù gai thị là gì?
Gai thị hay đĩa thị là nơi dây thần kinh thị đi vào nhãn cầu. Khi soi đáy mắt ta thấy được đầu dây thần kinh thị giác đó là gai thị. Động mạch và tĩnh mạch võng mạc trung tâm cũng xuyên qua vị trí này để vào nhãn cầu.
Gai thị (đĩa thị) nằm lệch về phía mũi, là nơi tập trung các sợi trục của 1-1,2 triệu tế bào hạch võng mạc, các sợi trục này không có myeline. Gai thị bình thường có hình tròn hay hình oval đứng, đường kính dọc trung bình 1,85-1,95 mm, đường kính ngang trung bình 1,7-1,8 mm. Ở trung tâm phía cực sau võng mạc, cách gai thị khoảng 4 mm về phía thái dương có một lỗ nhỏ tập trung nhiều tế bào chóp cỡ nhỏ và là vùng cho thị lực tốt nhất gọi là hoàng điểm (điểm vàng).
Phù gai thị là sự sung phù và mờ đi của rìa đĩa thị. Phù gai thị xuất hiện do tăng áp lực nội sọ hay có tổn thương chèn ép dây thần kinh thị.
Hiện tượng phù nề đĩa thị là kết quả của sự tắc nghẽn dòng chảy bào tương ở sợi trục của các neuron thần kinh thị, dẫn đến phù sợi trục của đĩa thị. Phù gai thị liên quan với các dấu hiệu khác của rối loạn chức năng thần kinh thị giác (ví dụ giảm thị lực, bất thường phản xạ đồng tử hướng tâm – RAPD, mất thị trường).
Các khuyết tật thị trường hay gặp nhất trong phù gai thị cấp là sự mở rộng điểm mù sinh lý, thị trường hình ống và mất thị trường dưới mũi.
Triệu chứng của bệnh phù gai thị
Trước đã có những lúc bị phù thoáng qua (thường cả hai mắt) (mù trong mấy giây đồng hồ), có nhức đầu, song thị, buồn nôn, nôn, ít khi giảm thị lực.
Nếu phù gai mạn tính thì có thể khiếm khuyết thị trường và giảm thị lực trung tâm nghiêm trọng.
Sưng và xung huyết đĩa thị cả 2 bên, bờ mờ và thường che lấp cả mạch máu. Lớp sợi thần kinh thường bị tổn hại.
Các dấu hiệu khác: xuất huyết võng mạc ở gai hoặc quanh gai, tĩnh mạch võng mạc giãn, ngoằn ngèo, chấm trắng bông, phản xạ đồng tử bình thường, sắc giác bình thường, điểm mù sinh lý rộng ra.
Phù gai mạn tính sẽ tiến triển đến teo gai, xuất huyết và những chấm trắng bông sẽ tiêu đi, các mạch máu quanh gai sẽ dày thành ra và thu hẹp , xung quanh đĩa thị sẽ hình thành những Shunt mạch máu gai – thể mi. Cuối cùng dẫn đến tổn hại sắc giác, thị lực trung tâm và khiếm khuyết thị trường chu biên, đặc biệt là ở phía dưới mũi.
Nguyên nhân của phù gai thị
Phù gai thị có thể có nhiều nguyên nhân gây ra như nguyên nhân ở nhãn cầu, hốc mắt, nội sọ, toàn thân. Phù gai thị là một triệu chứng đáy mắt rất quan trọng, nhất là cho bệnh nội thần kinh.
Nguyên nhân nhãn cầu: hạ nhãn áp nhiều đột ngột do vết thương xuyên thủng nhãn cầu; tăng nhãn áp trong bệnh glaucoma; viêm tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc…
Nguyên nhân hốc mắc: Những nguyên nhân gây đè ép nhiều lên dây thần kinh thị trong đoạn hốc mắc có thể dẫn đến ứ phù gai thị. U hốc mắt: u sarcoma, fibroma…; Áp xe hốc mắt; lồi mắt nhiều do bệnh nội tiết như basedow…
Nguyên nhân nội sọ do u nội sọ nguyên phát và di căn u hốc mắt; hẹp cống sylvius; bọc máu dưới màng cứng và ngoài màng cứng (do chấn thương); xuất huyết dưới màng nhện (đau đầu dữ dội và có thể xuất huyết trước võng mạc); dị dạng động – tĩnh mạch ở não; apxe não; viêm não; huyết khối ở xoang dọc giữa; tràn dịch não bẩm sinh ít khi có ứ phù gai thị kèm theo ngoại trờ trong gai đoạn sau.
Nguyên nhân toàn thân như tăng huyết áp, bệnh bạch cầu, nhiễm độc thai nghén…
Các giai đoạn của phù gai thị
Phù gai thị là triệu chứng khách quan và có giá trị nhất trong hội chứng tăng áp lực nội sọ nhưng không phải trường hợp nào cũng có và xuất hiện muộn khi các triệu chứng khác đã rõ ràng. Tùy mức độ của tăng áp lực nội sọ mà gai thị diễn biến theo các giai đoạn khác nhau từ nhẹ đến nặng.
Giai đoạn sớm
Rất khó xác định một phù gai bắt đầu. Dấu hiệu của giai đoạn này là gai thị cương tụ, bờ gai hơi nhòe đi phía thái dương, bờ gai hơi nhô lên, tĩnh mạch hơi giãn.
Giai đoạn phát triển hoàn toàn
Đĩa thị lồi lên dạng nấm, mất lõm gai sinh lý. Bờ gai thị bị xóa, các lớp sợi thần kinh quanh nó nổi rõ lên dạng tia màu nâu nhạt, nằm trong một lớp dịch phù lan tỏa. Các gốc mạch máu lớn bị che lấp, tĩnh mạch dãn ra, xoắn vặn. Xuất huyết trên gai quanh gai.
Giai đoạn mạn tính
Gai thị phù kéo dài hàng tháng, xuất huyết và xuất tiết tan dần. Các động mạch co nhỏ, tĩnh mạch bớt căng, sự lồi lên của đĩa thị cũng giảm dần, thị trường trung tâm bắt đầu giảm; khuyết thị trường ngoại biên; rối loạn sắc giác.
Giai đoạn teo gai
Gai thị trở bên bạc màu trắng bệch, mất bóng, bờ nham nhở. Các mạch máu trên gai mất đi, võng mạch co nhỏ. Mất thị lực trầm trọng hoặc mù lòa.
Sự thuyên giảm phù gai nếu nhanh chóng giải quyết tốt áp lực nội sọ phù gai (giai đoạn còn bù) sẽ hồi phục gần như bình thường trong vòng 6 – 7 tháng). Ở trẻ em dưới 5 tuổi do hộp sọ còn có khả năng dãn nở chút ít thường không có đầy đủ các giai đoạn trên, ít khi thấy xuất huyết gai thị mà thường dẫn đến teo gai thị.
Phù gai thị trong tăng áp lực nội sọ thường xuất hiện cả hai bên với mức độ có thể khác nhau. Hiếm gặp phù gai đơn độc một bên. Trong u não thùy trước trán, có thể gặp teo gai thị bên có khối u và phù gai bên đối diện.
Chẩn đoán phù gai thị
Từ các dấu hiệu bất thường ở mắt, để chẩn đoán chính xác cần làm xét nghiệm cận lâm sàng. Nhờ các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT Scanner sọ, cộng hưởng từ (MRI), thầy thuốc sẽ thuận lợi hơn trong việc phát hiện sớm các tổn thương ở não, trong đó có u nội sọ.
Nếu không xác định được khối thương tổn, các não thất không giãn, phân tích dịch não tủy để xác định áp lực, tìm kiếm nguyên nhân nhiễm trùng bằng cách chọc dịch não tủy.
Bệnh nhân có u trong sọ và bị tăng áp lực nội sọ có thể đi khám vì những lý do như: mờ mắt đau đầu, hoặc nhìn đôi (song thị). Vì vậy, khi bệnh nhân có những biểu hiện bệnh lý trên cần được thăm khám kỹ càng. Vì khi phát hiện muộn, gai thị dễ bị teo hoàn toàn do u nội sọ chèn ép thì tiên lượng rất nặng.
Điều trị phù gai thị
Việc điều trị phù gai thị khá phức tạp bởi khi tìm hiểu chính xác được nguyên nhân gây bệnh thì kết quả chữa trị mới ổn định. Vì thế, khi có những triệu chứng được nghi ngờ bị phù gai thị cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa Tai mũi họng, thần kinh, truyền nhiễm… để được khám bệnh và điều trị toàn diện.
Ở mắt cần phải giải quyết những rối loạn tuần hoàn, dinh dưỡng tại dây thần kinh, chống viêm, chống nhiễm khuẩn. Ngay sau khi chẩn đoán được xác định cần phải điều trị ngay với corticoid. Trong trường hợp này thuốc corticoid có thể được chỉ định với liều cao, kết hợp cả đường uống và đường tiêm, bệnh nhân bắt buộc phải nằm viện theo dõi.
Các thuốc kháng sinh có thể được sử dụng khi phát hiện ra tác nhân gây bệnh do chủng loại vi khuẩn. Trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, các loại thuốc giãn mạch toàn thân theo đường uống hoặc tại chỗ cùng các vitamin nhóm B như B1, B6, B12.
BS. Nguyễn Thị Phương