PHÁT HIỆN SỚM GIÁC MẠC CHÓP ĐỂ TRÁNH BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM
Bệnh giác mạc hình chóp (Keratoconus) làm cho giác mạc phần phía dưới bị giãn phình ra và tiêu mỏng. Người bị giác mạc hình chóp thường có thị lực yếu, dễ bị nhầm với cận-loạn thị, nhược thị.
NHỮNG BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP DO GIÁC MẠC CHÓP
- Độ cận loạn thị tăng nhanh.
- Sẹo giác mạc do giác mạc phồng lên nhanh.
- Giảm thị lực không hồi phục kể cả khi đã chỉnh kính.
NGUYÊN NHÂN
- Do liên kết giữa các sợi collagen trong nhu mô giác mạc không bền vững, chúng không còn khả năng giữ cho giác mạc đúng hình dạng bình thường mà ngày càng biến dạng thành hình nón, hình chóp.
- Cơ thể không còn đủ chất chống oxy hóa để bảo vệ giác mạc cũng khiến collagen yếu đi, giác mạc bị giãn và biến dạng phồng lên.
- Yếu tố di truyền và môi trường sống.
AI DỄ MẮC BỆNH GIÁC MẠC CHÓP?
- Bệnh giác mạc hình chóp thường bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 10 đến 25.
- Bệnh ít phát triển sau 40 tuổi và cũng thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai.
- Gia đình có người từng mắc bênh giác mạc chóp thì thế hệ sau cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Bệnh cũng thường xảy ra hơn ở những người mắc bệnh hen suyễn hay eczema…
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT GIÁC MẠC CHÓP
Muốn phát hiện ra bệnh lý giác mạc chóp thì cần đánh giá đầy đủ các triệu chứng và đặc điểm của bệnh. Cụ thể:
- Giác mạc chóp thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 10 đến 25. Tình trạng bệnh có thể tiến triển chậm trong 10 năm hoặc lâu hơn thế.
- Khai thác tiền sử bệnh nhân thấy thường xuyên thay đổi số kính gọng, độ loạn thị tăng nhanh, giữa các lần đo trong độ tuổi 16-25, thị lực sau khi chỉnh kính không đạt tối đa.
- Kèm với đó là các biểu hiện:
+Suy giảm thị lực nhanh và mắt nhạy cảm với ánh sáng.
+Tình trạng nhìn đôi (song thị), nhìn 1 vật thành 2 khi nhìn bằng một hay cả 2 mắt. +Cảm giác có quầng sáng xung quanh bóng đèn đang bật.
+Ở giai đoạn bệnh nặng hơn, người bệnh chỉ có thể nhìn rõ các vật thể khi chúng ở gần. Nhìn ra xa hơn, sẽ cảm thấy mọi thứ mờ ảo, méo mó.
+Khi giác mạc thay đổi hình dạng từ hình cầu sang hình nón, bề mặt nhẵn sẽ trở nên gợn sóng, được gọi là loạn thị không đều. Ở giai đoạn muộn, giác mạc sẽ bị phù, mờ đục nhiều và có thể để lại sẹo giác mạc.