Những câu hỏi thường gặp về phẫu thuật Phaco
Nhiều bệnh nhân khi đi khám vì mắt mờ, được bác sĩ cho biết bị đục thủy tinh thể, phải phẫu thuật Phaco thì băn khoăn không biết phẫu thuật Phaco là gì? Phẫu thuật có nguy hiểm không? Phẫu thuật có đau không?…
Bài viết này xin giải đáp một số thắc mắc thường gặp của bệnh nhân khi đang tìm hiểu về phẫu thuật Phaco.
Xem thêm: Các loại thủy tinh thể nhân tạo thường sử dụng trong phẫu thuật Phaco
Phẫu thuật Phaco là gì?
Phẫu thuật Phaco là viết tắt của Phacoemulsification, tức là dùng năng lượng sóng âm để tán nhuyễn và tách thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ, và thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo. Đây là phẫu thuật an toàn, hiệu quả và tối ưu nhất hiện nay so với các phương pháp trước. Vết mổ không cần khâu mà sẽ tự liền.
Những đối tượng đủ điều kiện để có thể Phẫu thuật Phaco?
Những đối tượng sau có thể được phẫu thuật Phaco:
– Bệnh nhân có đục thủy tinh thể và đã có chỉ định mổ
– Không có các bệnh toàn thân cấp tính
– Bệnh nhân không có các viêm nhiễm cấp tính tại mắt.
Những ưu điểm của phẫu thuật Phaco
Phẫu thuật Phaco diễn ra rất nhanh, an toàn cho người bệnh. Cụ thể:
-Thời gian phẫu thuật chỉ từ 5-10 phút/ca.
-Phẫu thuật không gây đau, không chảy máu, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.
-Vết mổ nhỏ, không cần khâu, giảm hiện tượng loạn thị.
-Thị lực của bệnh nhân phục hồi sớm và tốt sau mổ một hoặc vài ngày (nhiều bệnh nhân chỉ vừa rời bàn mổ đã thấy mắt sáng rõ, dù trước đó nhìn rất mờ như có màn sương trước mặt).
-An toàn, giảm các biến chứng của phẫu thuật.
-Có thể điều chỉnh một số tật khúc xạ.
Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi mổ Phaco?
Ngày trước mổ:
-Bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí và hưởng các ưu đãi
-Bệnh nhân tra thuốc kháng sinh trước mổ theo yêu cầu của bác sĩ.
-Nếu bệnh nhân đang uống thuốc điều trị các bệnh nội khoa thì vẫn dùng thuốc bình thường.
-Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường gì về thuốc, dị ứng…, cần báo ngay cho bác sĩ.
Ngày tới mổ:
-Bệnh nhân cần nhịn ăn sáng để làm xét nghiệm.
-Thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, điều dưỡng để có kết quả phẫu thuật tốt nhất. Cụ thể: Bệnh nhân không nên có tâm lý lo lắng thái quá vì sẽ khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng cao. Khi vào phòng mổ, cần phối hợp tốt với bác sĩ. Trước khi mổ bệnh nhân sẽ được gây tê nên yên tâm là mổ không đau. Điều quan trọng là bệnh nhân cần làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngày sau mổ:
-Tra thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
-Không dụi mắt, tránh khói bụi, không để nước tiếp xúc trực tiếp với mắt mổ.
-Đeo kính bảo vệ mắt cả ngày và đêm trong 3 ngày đầu sau mổ.
-Tránh hoạt động nặng nhọc hoặc những va chạm trực tiếp với mắt mổ.
-Hạn chế tiếp xúc với máy tính, xem tivi… trong thời gian 1 tuần đầu sau mổ.
-Sau mổ, bệnh nhân ăn uống bình thường, không phải kiêng kị gì (không có chuyện ăn một số món ăn có thể gây sẹo lồi hay nhức mắt). Tuy nhiên, bệnh nhân nên kiêng rượu, bia, các chất kích thích trong những ngày đầu vì không có lợi.
Xem thêm: Những biến chứng thường gặp sau phẫu thuật đục thủy tinh thể
Vấn đề theo dõi sau mổ
Bệnh nhân nên khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ để bác sĩ đánh giá tình trạng mắt, sự phục hồi thị lực, từ đó có những tư vấn, chỉ định điều trị phù hợp. Trong thời gian chưa tới lịch hẹn khám mắt, nếu có bất cứ vấn đề gì tại mắt: như mắt đột nhiên nhìn mờ, cảm giác khó chịu trong mắt…, bệnh nhân cần đi khám lại ngay.
Ths.BS Đỗ Minh Lâm