Các nguyên nhân gây bỏng mắt
Bỏng mắt là một cấp cứu trong nhãn khoa, có thể ở một hay hai mắt, tổn thương có thể ở cả nhãn cầu và phần phụ nhãn cầu. Thái độ xử trí ban đầu ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh. Nhìn chung, tiên lượng của bỏng mắt thường dè dặt, có thể dẫn tới mù lòa.
Các nguyên nhân gây bỏng mắt
-Hóa chất: Bỏng kiềm (vôi), bỏng axit (H2SO4, clohydric HCL), dung môi hữu cơ (benzen, axeton, cồn ethylic…).
Xem thêm: Nguyên nhân, hình thái, đặc điểm bỏng mắt do hóa chất
-Bỏng do sức nóng: nổ (bình ga…), hỏa hoạn, gang thép nóng chảy, nước sôi, dầu mỡ rán nóng…
-Bỏng do tia bức xạ: Bức xạ ion hóa (tia X, tia gamma, tia laser, vụ nổ hạt nhân, điện nguyên tử), tia cực tím, tia hồng ngoại.
Trong các nguyên nhân trên, bỏng do hóa chất là loại bỏng hay gặp (do bất cẩn trong sinh hoạt, lao động hoặc bị hại). Mức độ của bỏng hóa chất nặng hay nhẹ phụ thuộc:
+ Thời gian hoá chất ở trong mắt: càng lâu bỏng càng nặng.
+ Tính chất lý học của hoá chất: độ bền vững hay chóng biến mất, dễ hay khó hoà tan, khả năng thẩm thấu và hút nước.
+ Tính chất hoá học: axít hay bazơ.
+ Tác dụng nhiều hay ít, nông hay sâu tới các protein.
Sinh lý bệnh
-Các mạch máu bị tắc, vô mạch làm cho các tổn thương khó hồi phục
-Hóa chất có thể gây nên một số phản ứng hóa học như: Thay đổi pH, phá hủy các protein, tê liệt các men chuyển hóa, hạ thấp chuyển hóa oxy.
-Làm hỏng vùng rìa là nơi có tế bào nguồn
Đặc điểm các nguyên nhân gây bỏng mắt
Đặc điểm bỏng mắ do axit
-Axit làm Protein đông lại thành chất Proteinat axit không tan.
-Bỏng phá hủy nhanh nhưng hạn chế về chiều sâu
-Bỏng không có xu hướng lan rộng
Mức độ nặng của bỏng axit
-Mức độ bỏng nặng và lan rộng bề mặt phụ thuộc vào bản chất, độ đậm đặc và nồng độ pH của axít.
+ Những axít có pH < 2,5 – 3 sẽ hoại tử sâu.
+ Những axít có pH yếu (loãng) gây tổn thương chủ yếu lớp biểu mô hoặc mô nhục giác mạc.
-Axít kim loại gây bỏng nặng hơn axít hữu cơ và các anhydric hữu cơ.
+ Các axít kim loại như a.sulfric, a.nitric… là những axít mạnh có độ đậm đặc cao có thể phá huỷ toàn bộ giác mạc và các cấu trúc ngoài nhãn cầu.
+ Các anhydric acetic, maleic, succinic… gây độc cho giác mạc do nó có đặc tính xâm nhập vào giác mạc như kiềm.
Đặc điểm của bỏng kiềm
-Là loại bỏng nặng
-Lan rộng và phá huỷ sâu gây những biến chứng nặng nề
-Khó tiên lượng.
-Cơ chế hoá học của bỏng kiềm khá phức tạp và thể hiện bằng những phản ứng chính sau:
+ Tạo thành các proteinat bazơ, gây xà phòng hoá làm phá huỷ hàng rào biểu mô giúp cho chất bazơ thấm sâu vào tổ chức.
+ Rút nước từ các tế bào làm tăng khả năng hoại tử của tế bào
Đặc biệt, bỏng vôi sống dưới dạng bột hay vôi cục khi vào mắt gặp nước sẽ trở thành vôi tôi và tỏa nhiệt làm cho mắt bị bỏng nặng và liên tục. Chất bazơ gây ra nhiều tiết rử, hoại tử kết mạc rộng và sâu sau này sẽ gây dính cùng đồ.
Phân loại độ bỏng do kiềm
Độ |
Biểu hiện ở mi |
Biểu hiện ở kết mạc và củng mạc |
Biểu hiện ở giác mạc |
I |
Cương tụ da |
Cương tụ kết mạc |
Trợt biểu mô nông |
II |
Bọng nước |
Màng giả (thiếu máu kết mạc) |
Đục nông, vẫn thấy rõ hình ảnh mống mắt |
III |
Hoại tử da |
Hoại tử kết mạc một phần |
Đục sâu không hoàn toàn (như kính mờ) |
IV |
Hoại tử dưới da và sụn |
Hoại tử kết mạc và củng mạc |
Đục sâu hoàn toàn (màu trắng sứ) |
Phân loại độ bỏng (H.S.Dua 2001)
Độ bỏng |
Tiên lượng |
Tổn thương vùng rìa |
Tổn thương kết mạc |
Thang điểm |
1 |
Rất tốt |
0 cung giờ |
0% |
0/0% |
2 |
Tốt |
3 cung giờ |
30% |
0,1-3/1%-29,9% |
3 |
Tốt |
>3 đến 6 cung giờ |
>30%-50% |
3,1-6/31%-50% |
4 |
Tốt đến dè dặt |
>6-9 cung giờ |
>50%-75% |
6,1-9/50,1%-75% |
5 |
Dè dặt đến nặng |
>9-12 cung giờ |
>75%-<100% |
9,1-11.9/75,1%-99,9% |
6 |
Nặng |
Toàn bộ chu vi vùng rìa |
Toàn bộ kết mạc |
12/100% |
Lâm sàng – bỏng nhẹ
-Mi mắt không bị tổn thương.
-Kết mạc có thể gặp: cương tụ, phù kết mạc, chấm xuất huyết xung quanh rìa, xuất huyết dưới kết mạc. Không có dấu hiệu hoại tử kết mạc.
-Giác mạc: có thể mờ đục nhẹ, có thể xước biểu mô giác mạc, lớp mô nhục không bị tổn thương.
Lâm sàng – Bỏng nặng
-Da mi mắt bỏng, đặc biệt bờ mi, có thể điểm lệ cũng bị tổn thương.
-Thiếu máu kết mạc: kết mạc trắng, dầy.
-Giác mạc mờ đục, dầy nên không thấy mống mắc, thể thuỷ tinh.
-Có phản ứng với màng bồ đào: tyndal (+), dính mống mắt, có thể tăng nhãn áp.
Khám đánh giá các tổn thương bỏng mắt do kiềm
-Mức độ thiếu máu kết mạc (test amsler)
-Tình trạng giác mạc và cảm giác của giác mạc: mất biểu mô, phù nhu mô, mức độ đục giác mạc và mất cảm giác.
-Tình trạng tiền phòng: nếu có viêm mống mắt thể mi cần điều trị đề phòng đục thể thể thuỷ tinh và tăng nhãn áp
Di chứng của bỏng do kiềm
Nhiều di chứng phức tạp , không thể khắc phục được,
-Mi mắt: sẹo co kéo gây hở mi, lông quặm
-Lệ đạo: tắc lệ đạo
-Dính mi cầu
-Sẹo giác mạc, tân mạch giác mạc
–Khô mắt do tổn thương tuyến lệ phụ
-Teo nhãn cầu
Bỏng mắt do bức xạ
-Bỏng mắt do bức xạ ion hóa: Tổn thương thường rất nặng; Giác mạc khô, hoại tử, thủng giác mạc dẫn đến nhiễm trùng tổ chức nội nhãn.
-Do tia laser: Tổn thương lớp biểu mô sắc tố võng mạc, chết tế bào và gây sẹo
-Do tia cực tím: Giác mạc tổn thương nông.
-Bỏng tia: Bỏng hàn, Bỏng tia UV
Các phương pháp điều trị khi bị bỏng mắt
Nguyên tắc điều trị:
-Loại trừ chất gây bỏng.
-Chống đau.
-Chống nhiễm khuẩn.
-Chống dính.
-Chống thiếu dinh dưỡng giác mạc.
Giai đoạn cấp cứu:
-Rửa mắt, rửa nhiều nước, nhiều lần. Dung dịch để rửa mắt là nước muối sinh lý, dung dịch Ringer hoặc nước sạch sẵn có tại nơi xảy ra tai nạn.
-Rửa các túi cùng, lấy hết dị vật nếu có.
Chú ý: trường hợp bỏng vôi sống, trước khi rửa phải lấy hết vôi bám kết mạc.
-Nhỏ thuốc: giãn đồng tử, kháng sinh.
-Chọc tiền phòng: được áp dụng với bỏng kiềm nặng. Chọc tiền phòng nhằm thay đổi độ pH của thuỷ dịch, loại trừ chất gây bỏng đề phòng đục thể thuỷ tinh thứ phát và viêm màng bồ đào, tổn thương góc tiền phòng.
Chú ý: vết mổ khó liền
Điều trị phục hồi: Chú ý đề phòng:
+ Nhiễm trùng thứ phát.
+ Tăng nhãn áp.
-Chống men Collagenase: Thường dùng Acestylcysteine 10% trong tuần đầu bỏng. Ngoài ra còn có EDTA, calcique và Pennicillamine, Medroxy – progesteron có hoạt động ức chế men Collagenase bởi một cơ chế không rõ ràng.
-Tiêm máu tự thân, huyết thanh tự thân
-Dùng kháng sinh có phổ rộng nhỏ mắt nhiều lần/ngày, kháng sinh uống kết hợp.
-Corticosteroid: tác dụng chống viêm màng bồ đào, dừng quá trình phát triển tân mạch vào giác mạc trong 2-3 tuần đầu sau bỏng.
-Atropin 1%: tác dụng chống viêm chống dính.
-Kính tiếp xúc: có thể dùng sau vài tuần để bảo vệ lớp biểu mô và mô nhục, giúp lớp biểu mô tái tạo nhanh.
-Hàng ngày tách dính cùng đồ và hướng dẫn bệnh nhân tập vận động nhãn cầu, không được băng mắt.
Điều trị phẫu thuật:
–Ghép giác mạc trong trường hợp hoại tử thủng giác mạc (gọi là ghép giác mạc nóng): kết quả kém vì ghép trên nền tổ chức hoại tử vô mạch.
-Ghép lớp giác mạc chỉ áp dụng khi không còn phản ứng viêm.
-Ghép kết mạc tự thân, ghép màng rau thai hoặc niêm mạc môi trong những trường hợp bỏng nặng kết mạc hoại tử rộng
-Ghép da khi mất tổ chức da và dưới da rộng.
-Nếu tăng nhãn áp kéo dài cần mổ cắt bè.
-Phủ tenon phần trước nhãn cầu chỉ định bỏng độ 4. Mục đích sử dụng hệ thống mạch máu lấy từ hốc mắt để tái thiết lập hệ thống mạch máu mới nuôi dưỡng vùng rìa và bảo vệ giác mạc khỏi hoại tử khi lớp biểu mô chưa tái tạo.
-Cò mi
Điều trị di chứng
-Những di chứng thường gặp của tai nạn bỏng là: sẹo giác mạc, cạn dính cùng đồ, dính mi cầu, hở mi do sẹo co kéo.
-Các phẫu thuật: tách dính cùng đồ kết hợp vá kết mạc, niêm mạc miệng hoặc vá màng rau thai, ghép giác mạc, vá da tạo hình mi.
Phòng bệnh
-Mọi người cần có ý thức phòng chống tai nạn bỏng mắt, thận trọng khi sinh hoạt, lao động để tránh tai nạn xảy ra.
-Những người làm nghề có nguy cơ bỏng cao phải được trang bị đồ dùng bảo hộ lao động và chấp hành tốt các nội qui quy định về an toàn lao động.
Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội
BS Nguyễn Văn Hòa