Nguy cơ bệnh mắt ở bệnh nhân có hội chứng Rubella bẩm sinh
Người mẹ mang thai nếu bị rubella thì con sinh ra nhiều nguy cơ mắc một số bệnh bẩm sinh, trong đó có bệnh ở mắt. Vì vậy, mọi người cần nâng cao cảnh giác với căn bệnh này; phụ nữ trước khi định có thai cần tiêm phòng đầy đủ.
Hội chứng Rubella bẩm sinh là gì?
Rubella là bệnh truyền nhiễm gây dịch sốt, phát ban do virus rubella gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp với các triệu chứng sốt, phát ban, sưng hạch sau tai, cổ, chẩm, đau khớp. Khi xảy ra ở phụ nữ đang mang thai ở nửa đầu thai kỳ vì sẽ gây xảy thai, thai chết lưu và hội chứng Rubella bẩm sinh.
Hội chứng rubella bẩm sinh là tình trạng nhiễm rubella đối với bào thai trước khi sinh từ mẹ qua rau thai gây lên sự bất thường của các cơ quan và nhiễm trùng dai dẳng ở trẻ sau khi sinh ra.
Hội chứng rubella bẩm sinh kinh điển gồm tam chứng cổ điển là đục nhân mắt, tim bẩm sinh và điếc. Tuy nhiên, bệnh cảnh của Hội chứng rubella bẩm sinh ngày nay đã được mô tả rất phong phú, cả về lâm sàng và cận lâm sàng.
Khi mẹ nhiễm virus rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ, virus đễ dàng sang thai nhi và lan tỏa đến nhiều cơ quan, gây dị dạng nhiều tạng, nhiễm trùng mạn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và là nguồn phát tán virus nhiều tháng.
Dịch tễ học của Rubella
Tổ chức Y Tế Thế Giới ước tính hàng năm có khoảng 238.000 trẻ sinh ra có Hội chứng rubella bẩm sinh, phần lớn số này sống ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ mắc Hội chứng rubella bẩm sinh hàng năm là 0,6-2,2/1000 trẻ đẻ sống.
Tại Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2011 rubella gây một dịch khá lớn tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ước tính có hàng chục nghìn ca mắc với hàng nghìn trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm rubella với hậu quả nặng nề đối với thai phụ (phá thai) và với trẻ sinh ra mắc Hội chứng rubella bẩm sinh.
Các khuyết tật về mắt ở trẻ có hội chứng Rubella bẩm sinh
Ở mức độ nhẹ trẻ khi sinh ra có thể gặp mắt nhỏ, lác trong, rung giật nhãn cầu, sụp mi một mắt hoặc hai mắt, viêm võng mạc sắc tố ( đáy mắt có biểu hiện “ muối và tiêu”), mờ đục giác mạc( cornea cloudy) Mức độ trung bình trẻ có đục thuỷ tinh thể 1 bên, glocom bẩm sinh và lác mức độ trung bình.
Mức độ nặng gây đục thuỷ tinh thể 2 bên, glocom và lác nặng. Trong đó đục thủy tinh thể và tật mắt nhỏ gây giảm thị lực nhiều nhất. Ở đáy mắt, trừ khi trẻ bị tổn thương bởi glaucoma, thần kinh thị giác và mạch máu võng mạc của trẻ đều bình thường.
Bệnh lí viêm võng mạc sắc tố 1 hoặc 2 bên ở trẻ có hội chứng rubella là biểu hiện ở mắt phổ biến nhất( từ 25-50%), đến đục thủy tinh thể( 15%) và glaucoma( 10%). Các biến chứng mắt thường gặp nhất của nhiễm rubella mắc phải là viêm kết mạc (70%), tiếp theo là sự xuất hiện không thường xuyên của viêm giác mạc biểu mô và viêm võng mạc.
Điều trị
– Rubella là bệnh do virus gây nên và cho tới nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh. Do vậy, điều trị triệu chứng và phòng ngừa biến chứng là biện pháp chủ yếu.
Tỷ lệ Hội chứng rubella bẩm sinh có thể giảm xuống nếu phát hiện kịp thời các trường hợp phụ nữ có thai trong 16 tuần đầu mắc rubella và tư vấn, theo dõi các trường hợp này. Không cần tẩy uế buồng bệnh hàng ngày vì virus rubella có sức đề kháng yếu ở ngoại cảnh.
– Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường như có đốm trắng tại mắt, hay chảy nước mắt, lác, sụp mi hay rung giật nhãn cầu…, cần đưa trẻ đến cơ sở bệnh viện mắt chuyên khoa khám ngay để có phương án điều trị kịp thời.
Phòng bệnh
– Chị em phụ nữ cần chủ động tìm hiểu về bệnh rubella, tiêm phòng đầy đủ để tránh nhiễm bệnh và gây bệnh cho thai nhi.
– Báo cho cơ quan y tế địa phương các ca sốt phát ban nghi rubella và ca nghi Hội chứng rubella bẩm sinh. Cách ly tại cơ quan, trường học và bệnh viện, cách ly các ca nghi mắc. Trẻ em không được đến trường và người lớn không được đến nơi làm việc trong vòng 7 ngày sau phát ban. Tránh để các trường hợp này tiếp xúc với phụ nữ có thai.
Biên tập: TTT
Tài liệu tham khảo:
https://medlineplus.gov/ency/article/001658.htm
https://www.cdc.gov/vaccines/pubs/surv-manual/chpt15-crs.html
Autism in children with congenital rubella –
HIGH FREQUENCY OF DIABETES MELLITUS IN YOUNG ADULTS WITH CONGENITAL RUBELLA – JillM.Forrest; MargaretA.Menser; J.A.Burgess – See more