Một số bệnh và các rối loạn ảnh hưởng đến giác mạc
Giác mạc (lòng đen), là một màng trong suốt, rất dai, không có mạch máu có hình chỏm cầu chiếm 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Những tổn thương hoặc bệnh liên quan đến giác mạc có thể ảnh hưởng đến thị lực, nặng nhất có thể dẫn đến mù lòa.
Dị ứng
Dị ứng ảnh hưởng mắt là khá phổ biến. Những người có cơ địa dị ứng thường liên quan: thời tiết thay đổi, phấn hoa, mỹ phẩm, tiếp xúc bụi, hóa chất, đeo kính sát tròng…
Các triệu chứng có thể bao gồm: ngứa, đỏ, cộm, chảy nước mắt. Trường hợp nặng, viêm kết mạc dị ứng kéo dài tạo nhú gai cọ vào giác mạc gây kích thích giác mạc, viêm giác mạc, tạo sẹo giác mạc ảnh hưởng tầm nhìn.
Viêm kết mạc
Viêm kết mạc thường do nhiễm trùng vi khuẩn, virus, dị ứng, thuốc…Triệu chứng có thể: đỏ mắt, cộm xốn, chảy nước mắt, tăng tiết ghèn…bệnh có thể nặng gây biến chứng viêm giác mạc và giảm thị lực.
Viêm giác mạc
Viêm giác mạc nguyên nhân có thể do nhiễm trùng vi khuẩn, nấm…Triệu chứng: đỏ mắt, cộm xốn, chảy nước mắt, nhìn mờ… Nhiễm trùng gây viêm loét giác mạc mặc dù điều trị tích cực vẫn thường gây sẹo giác mạc, ảnh hưởng tầm nhìn, đôi khi phải ghép giác mạc.
Viêm giác mạc Herpes
Viêm giác mạc Herpes là bệnh nhiễm virus tái phát thường do virus Herpes Simplex, bệnh gây viêm giác mạc tạo sẹo ảnh hưởng thị lực. Khi đã bị nhiễm virus Herpes tỷ lệ tái phát 50% có khi chỉ sau vài tuần thậm chí sau nhiều năm. Viêm giác mạc do Herpes gây tổn thương lớp biểu mô, viêm lan sâu xuống lớp nhu mô có thể tạo sẹo giác mạc, mờ mắt.
Khô mắt
Lớp phim nước mắt giúp giữ ẩm cho đôi mắt, giúp vết thương bề mặt nhãn cầu mau lành và bảo vệ mắt trước các tác nhân nhiễm trùng. Ở những người khô mắt, nước mắt tiết ít hoặc phim nước mắt kém chất lượng (lớp mỡ, lớp nhầy kém chất lượng)…vì thế giác mạc không được giữ ẩm và trơn láng, ảnh hưởng lớp biểu mô giác mạc. Triệu chứng ban đầu: cảm giác cay rát mắt, chảy nước mắt, về sau có thể cộm xốn, lóa, chói sáng, nhìn mờ,…
Loạn dưỡng giác mạc
Loạn dưỡng giác mạc là tình trạng một trong những thành phần của giác mạc không còn trong suốt. Có hơn 20 loại bệnh loạn dưỡng giác mạc (loạn dưỡng Fuchs, loạn dưỡng GM dạng lưới, dãn phình GM …) gây ảnh hưởng các lớp của giác mạc, các bệnh có đặc điểm chung:
– Có tính di truyền.
– Mức độ ảnh hưởng 2 mắt như nhau, tiến triển từ từ
– Thường không liên quan các tác nhân bên ngoài như: chấn thương, dinh dưỡng…
– Loạn dưỡng giác mạc bắt đầu từ 1 lớp nào đó của giác mạc sau đó có thể lan sang các lớp khác, không ảnh hưởng các bộ phận khác của mắt cũng như của cơ thể.
Loạn dưỡng giác mạc có thể ảnh hưởng tầm nhìn theo các kiểu khác nhau, một số loạn dưỡng giác mạc gây ảnh hưởng thị lực trầm trọng, một số loại loạn dưỡng GM chỉ phát hiện tình cờ, thỉnh thoảng kèm theo những đợt kích thích đau.
Loạn dưỡng giác mạc Fuchs΄
Loạn dưỡng giác mạc Fuchs là bệnh tiến triển chậm, thường ở 2 mắt, nữ thường gặp hơn nam. Bệnh xảy ra khi các tế bào nội mô dần dần xấu đi, không rõ nguyên nhân, tế bào nội mô mất dần làm ảnh hưởng sự trao đổi nước của giác mạc, giác mạc lâu ngày thấm nước, phù gây giảm thị lực.
Lúc đầu, bệnh nhân sẽ mờ nhiều lúc thức dậy sau đó từ từ nhìn rõ dần trong ngày, do giác mạc giữ nước trong lúc ngủ, khi thức dậy nước được bốc hơi theo phim nước mắt. Khi bệnh nặng hơn bệnh nhân nhìn mờ suốt cả ngày, có thể có chỉ định ghép giác mạc.
Hội chứng nội mô giác mạc mống mắt
Nguyên nhân là do sự di chuyển bất thường các tế bào nội mô giác mạc vào mống mắt, vào góc tiền phòng gây phù giác mạc, thay đổi mống mắt, đồng tử, tăng nhãn áp.
Loạn dưỡng giác mạc lưới
Do sự tích tụ hạt amyloid, bất thường sợi protein trong lớp nhu mô giác mạc, lâu ngày các sợi giác mạc sẽ phát triển đục dần giác mạc làm giảm thị lực. Một số trường hợp các sợi giác mạc nằm dưới lớp biểu mô GM gây tróc biểu mô tái phát, những vết tróc biểu mô làm ảnh hưởng độ cong giác mạc gây giảm thị lực tạm thời.
Đồng thời các vết tróc biểu mô cọ vào thần kinh giác mạc gây đau nhức. Khoảng 40 tuổi loạn dưỡng giác mạc lưới sẽ tạo sẹo giác mạc, chỉ định ghép giác mạc được đặt ra.
Dãn phình giác mạc (Giác mạc chóp Keratoconus)
Do các lớp giác mạc mỏng và dãn phình gây ra loạn thị, cận thị, gây phù giác mạc, sẹo giác mạc. Nguyên nhân thường do di truyền, chấn thương, giác mạc bị cọ xát lâu ngày (đeo kính sát tròng, viêm kết mạc nhú…). Bệnh nhân giác mạc chóp được theo dõi, cấp đơn kính kết hợp kính áp tròng để ổn định thị lực.
Bệnh không có cách nào ngăn tiến triển đến giai đoạn xấu. 10% – 20% giác mạc sẽ dần dần tạo sẹo, không còn dung nạp với kính sát tròng khi đó ghép giác mạc là cần thiết để bảo tồn thị lực.
Ghép giác mạc là ? Có an toàn hay không?
Bất kỳ bệnh nhân nào bị giảm thị lực, mù do sẹo giác mạc như nhiễm trùng, chấn thương, viêm, loạn dưỡng giác mạc… nhưng chức năng thần kinh võng mạc còn tốt thì phẫu thuật ghép giác mạc là biện pháp hữu hiệu để phục hồi thị lực. Ghép giác mạc là phẫu thuật thay thế giác mạc bệnh, giác mạc sẹo bằng giác mạc được hiến.
Ít phổ biến hơn, ghép giác mạc được thực hiện trong cấp cứu để điều trị nhiễm trùng nặng ở giác mạc, hoặc để vá lại những vết thủng nhỏ của giác mạc.
Có nhiều phương pháp ghép giác mạc: ghép giác mạc xuyên, ghép giác mạc lớp…Thành công của phẫu thuật ghép giác mạc khá cao tuy nhiên tỷ lệ thải ghép giác mạc sau ghép cũng không thấp. Việc điều trị corticoid sau phẫu thuật giúp hạn chế tỷ lệ thải ghép.
Ghép giác mạc có thể thực hiện lập lại nhiều lần nếu phẫu thuật trước đó không thành công bị thải ghép, những lần ghép sau tỷ lệ thành công ít hơn những lần trước.
Phẫu thuật Lasik
Giác mạc chiếm 2/3 tổng công suất khúc xạ của nhãn cầu do hầu hết ánh sáng khúc xạ tại mặt phân cách không khí và giác mạc. Phẫu thuật Lasik thường qui làm thay đổi hình thể của giác mạc, tác động tổng thể lên hệ quang học của nhãn cầu nhằm điều chỉnh tật khúc xạ hình cầu, hình trụ đưa hình ảnh hội tụ ngay tại võng mạc.
Trong các cách tiếp cận ngoại khoa để điều trị tật khúc xạ giác mạc có lợi thế nhất vì dễ tiếp cận, can thiệp ngoại nhãn nên an toàn, ít nguy cơ biến chứng hơn phẫu thuật nội nhãn.
Điều trị kính tiếp xúc Ortho-K
Là phương pháp điều trị tật khúc xạ bằng cách đeo kính tiếp xúc cứng thấm khí trong lúc ngủ để điều chỉnh hình dạng giác mạc nhằm giảm khử độ cận thị nhờ đó hạn chế sự phụ thuộc kính gọng hay kính tiếp xúc vào ban ngày. Điều chỉnh tật khúc xạ Ortho-k là phương pháp tạm thời nghĩa là khi ngưng kính độ cận thị sẽ trở lại như trước khi đeo kính điều trị.
Bác sĩ Chuyên khoa II Đặng Đức Khánh Tiên