Mắt nhìn xa bị nhòe, dấu hiệu cảnh báo tình trạng gì?
Mắt nhìn xa bị nhòe, hay còn gọi là mắt bị mờ sương thường sẽ gây ra cảm giác khó chịu cùng kéo theo nhiều bất cập trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Vì thế, khi có hiện tượng mắt nhìn bị nhòe, bạn có thể đi khám, xác định được tình trạng bệnh để tìm hiểu cách điều trị mắt bị mờ được chính xác và hiệu quả nhất.
Xem thêm: Mắt mờ đột ngột nguyên nhân và cách xử lý
Mắt nhìn xa bị nhòe có nguy hiểm không
Mắt nhìn xa bị nhòe do nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ những nguyên nhân đơn giản như mỏi điều tiết, tật khúc xạ chỉ có thể điều trị bằng cách cho mắt nghỉ ngơi, đeo kính đến những nguyên nhân bệnh về mắt nguy hiểm hơn cần như viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, xuất huyết, đặc biệt nếu có bong võng mạc cần phải can thiệp phẫu thuật.
Để có thể biết được chính xác bệnh, bạn có thể đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt hoặc cơ sở y tế uy tín. Việc soi đáy mắt và khám tổng thể cũng có thể giúp bác sĩ nhãn khoa xác định được tình trạng bệnh của bạn.
Đồng thời bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về cách chăm sóc mắt giúp cải thiện tình trạng mắt bị nhòe triệt để, tránh tạo tật khiến ảnh hưởng đến thị lực.
Nguyên nhân mắt nhìn xa bị nhòe
Khi xảy ra tình trạng mắt nhìn xa bị nhòe, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân để có hướng khắc phục chính xác và hiệu quả. Thông thường, khi mắt nhìn xa bị nhòe có thể do các nguyên nhân sau:
Chứng rối loạn điều tiết: tật này xuất hiện do mắt phải làm việc với màn hình máy tính, điện thoại, đọc sách quá nhiều trong thời gian dài, thiếu sáng. Mắt có cơ chế tự điều chỉnh để nhìn rõ các vật ở cả xa và gần, cơ chế hoạt động của mắt cũng giống như máy ảnh, có thể điều chỉnh để chụp xa và gần. Mắt chỉ ngưng điều tiết khi chúng ta ngủ hay nhắm mắt. Vì vậy việc bắt mắt phải làm việc liên tục dễ khiến mắt bị mệt và rối loạn, gây ra tình trạng mắt nhìn bị nhòe cả khi quan sát các vật ở gần.
Viêm màng bồ đào: Màng bồ đào rất quan trọng đối với đôi mắt bởi đây chính là nơi chứa mạch máu nuôi dưỡng sức khỏe của đôi mắt. Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm xảy ra ở một trong ba bộ phận sau: mống mắt, thể mi, màng mạch khiến cho mắt nhìn bị nhòe.
Viêm kết mạc: Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do vì khuẩn/vi rút tạo ra, khi bị viêm mắt sẽ có màu đỏ và nổi toàn bộ các tia máu lên. Ngoài mắt nhìn bị nhòe, viêm kết mạc còn gây ngứa, đau, rát, khiến mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng mạnh.
Đục thủy tinh thể: thường gặp ở người lớn tuổi, mắt nhìn mờ tang dần, không đau nhức.
Cận thị: Khi bị cận thị, bạn rất khó quan sát các vật ở xa, đồng thời các vật ở xa sẽ bị nhòe đi do sự xuất hiện của ảnh ảo bên trong mắt. Để nhìn rõ và không bị nhòe mắt phải điều tiết, cụ thể là hành động nheo mắt của người cận.
Bong võng mạc: thường gặp ở người có cận thị nặng. Bong vong mạc có lỗ rách cần can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Đột quỵ: Một trong những dấu hiệu quan trọng cảnh báo cơn đột quỵ là sự thay đổi đột ngột về thị lực nhưng không đau đớn. Người bệnh có thể gặp phải tình trạng nhìn bị nhòe, nhìn đôi hoặc đột nhiên mất thị giác.
Đau nửa đầu: Đau nửa đầu gây ra một loạt các triệu chứng khác ngoài những cơn đau đầu dữ dội, bao gồm mắt nhìn bị nhòe và nhạy cảm với ánh sáng. Người bệnh có thể trải qua những dấu hiệu này ngay cả trước khi một cơn đau nửa đầu bắt đầu và kéo dài cho tới khi kết thúc cơn đau nửa đầu.
Một số nguyên nhân khác: bên cạnh các nguyên nhân phổ biến được nếu ở trên, có một số nguyên nhân khác cũng khiến mắt nhìn bị nhòe, như: xuất huyết tiền phòng, loét giác mạc, viêm củng mạc, khô mắt, vẩn đục dịch kính.
Để điều trị cũng như ngăn chặn tình trạng mắt bị nhòe khi nhìn xa, đặc biệt khi làm việc nhiều với máy vi tính, bạn cần tạo thói quen sử dụng thuốc nhỏ mắt thường xuyên để bảo vệ mắt, tránh khô mắt.
Cách khắc phục khi mắt nhìn xa bị nhòe
Để khắc phục tình trạng mắt bị mờ sương, bạn cần chú ý đến việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng như tăng cường bổ sung dưỡng chất cho mắt.
– Tăng cường rau xanh, trái cây tươi, đặc biệt là rau, củ, quả có màu cam, đỏ, vàng chẳng hạn như: Cam, cà rốt, bưởi, kiwi, dâu tây, súp lơ xanh, bí đỏ, đu đủ chín,…
– Ăn cá tươi (cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi,…) 2 – 3 lần/tuần vì chúng giàu omega – 3 giúp mắt luôn sáng, khỏe đồng thời hạn chế nguy cơ đục thủy tinh thể, đục dịch kính, khô mắt…
– Hạn chế thức ăn chiên, rán, thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất phụ gia, bảo quản.
– Ngừng hút thuốc lá.
– Hạn chế rượu, bia, cà phê, và những đồ uống chứa nhiều cồn, chất kích thích, …
– Hạn chế tiếp xúc quá lâu với các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, ti vi,…
– Khi đi ra ngoài nắng, nên đeo kính mát hoặc đội mũ rộng vành để tránh tác hại từ ánh sáng mặt trời và khói bụi từ môi trường bên ngoài.
– Vệ sinh mắt với nước muối sinh lý 0.9% hàng ngày để rửa sạch bụi bẩn trong mắt.