Loạn thị có đáng ngại hơn cận thị?
Khi biết con mình bị loạn thị, nhiều bậc phụ huynh rất ngỡ ngàng. Bởi cận thị là khái niệm nhiều người đã biết; và cận thị cũng khá phổ biến trong học đường. Còn loạn thị thì nhiều người vẫn hiểu về nó rất mơ hồ.
Con tôi chưa đi học, sao lại loạn thị?
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (ở Thanh Xuân, Hà Nội) có cậu con trai năm nay 4 tuổi. Một ngày, chị phát hiện con mắt kém bởi nhìn gì bé cũng nheo nheo mắt, có vẻ khó nhìn.
Đưa con đi khám, bác sĩ cho biết bé bị cận thị kèm loạn thị. Mặc dù bác sĩ đã giải thích về các tật này, nhưng ra khỏi phòng khám là chị lại… quên hết, về nhà vẫn băn khoăn: Tại sao lại là loạn thị? “Loạn” tức là thế nào? Loạn thị có chữa khỏi được không?
Chị Hằng không phải là trường hợp cá biệt. Nghe bác sĩ nói con bị loạn thị, chị còn lo lắng hơn là nghe bị cận thị, vì loạn – theo phỏng đoán của chị thì chắc là sẽ nhìn thấy các hình ảnh rất lộn xộn. Mà nghe nói, loạn thị còn dẫn đến nhược thị, tức mắt sẽ rất yếu. Như thế sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con…
Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc các bệnh khúc xạ đang tăng nhanh ở Việt Nam. Với riêng loạn thị, chưa có thống kê đầy đủ, nhưng tại một cuộc khảo sát ở một trường THCS ở Cần Thơ cho thấy, tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ chiếm tới 45,34%.
Trong số này cận thị chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 36%), loạn thị 8,1% và viễn thị 1,16%. Nhìn vào con số này có thể thấy: tỷ lệ loạn thị ở trẻ em ít hơn rất nhiều so với cận thị. Tuy vậy, loạn thị cũng rất đáng được quan tâm bởi tật khúc xạ này hay gặp ở trẻ nhỏ, khiến trẻ khó nhìn ở mọi khoảng cách (khác với cận thị chỉ khó nhìn vật ở xa).
Như các tật khúc xạ khác, mắc loạn thị cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhìn mọi vật, gây bất tiện trong sinh hoạt và ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ.
Lấy lại thị lực khi bị loạn thị
Theo định nghĩa của các chuyên gia nhãn khoa, loạn thị là một tật khúc xạ, trong đó hệ thống quang học của mắt không thể quy tụ hình ảnh của một vật rõ nét trên một bình diện (cụ thể ở đây là võng mạc – là lớp màng cảm thụ của mắt). Hậu quả là người bị loạn thị nhìn thấy mọi vật bị mờ đi.
Trong đa số các trường hợp, loạn thị xảy ra khi bề mặt của giác mạc (phần lòng đen của mắt) không có hình dạng của chỏm cầu, thay vào đó có dạng xuyến (với một kinh tuyến cong hơn vuông góc với một kinh tuyến phẳng hơn) hoặc không đều (nhiều kinh tuyến có độ cong khác nhau).
Một số trường hợp loạn thị có thể do các mặt cong của các phần khác trong mắt như thể thủy tinh, mặt sau giác mạc gây ra. Loạn thị cũng có thể gặp trong các bệnh lý của mắt như bệnh giác mạc hình chóp, mắt hột, sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí và hưởng các ưu đãi
Trong đa số các trường hợp, loạn thị thường ở mức độ nhẹ (dưới 1D), không ảnh hưởng đến chức năng thị giác và không cần điều trị. Các trường hợp loạn thị cao hơn (từ 1D) có thể gây khó chịu, đau đầu và nhìn mờ.
Loạn thị trên 2D hoặc loạn thị một mắt không được điều trị có thể dẫn đến nhược thị là tình trạng mắt không thể nhìn rõ ngay cả khi được chỉnh kính. Các trường hợp này cần được phát hiện sớm và điều trị theo hướng điều trị nhược thị.
Người bị loạn thị có thể áp dụng các phương pháp khác nhau để lấy lại được thị lực. Đeo kính là phương pháp phổ biến và thuận tiện. Kính trụ có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với kính cận, viễn hoặc hai tròng cho người lão thị hoặc sau mổ thể thủy tinh.
Kính tiếp xúc cứng (áp tròng) có thể điều chỉnh loạn thị do tạo ra một bề mặt mới trước giác mạc. Kính tiếp xúc mềm cũng có loại điều chỉnh loạn thị những cần được hướng dẫn đặc biệt. Kính tiếp xúc cho hình ảnh rõ và thị trường rộng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, kính tiếp xúc cần được vệ sinh và chăm sóc kỹ hơn so với kính đeo.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng kính tiếp xúc chỉnh hình giác mạc Ortho-K (là kính tiếp xúc cứng với độ cong phù hợp để nắn lại giác mạc). Bệnh nhân thường đeo qua đêm vào tháo kính ra vào buổi sáng.
Người bị loạn thị nhẹ có thể nhìn rõ trong ngày mà không cần đeo kính. Tuy nhiên, khi ngừng đeo kính tiếp xúc thì loạn thị lại trở về mức cũ. Phẫu thuật laser hoặc phẫu thuật PHAKIC (đặt kính nội nhãn) là những phương pháp cuối cùng có thể điều trị và cải thiện được tình trạng loạn thị.
Biên tập TTT