Lỗ hoàng điểm, triệu chứng và các phương pháp điều trị
Khi một người lớn tuổi hay người mắc tật khúc xạ có triệu chứng thị lực giảm dần thì có khả năng hoàng điểm có vấn đề – một trong số các vấn đề cần lưu tâm nhất đó là bệnh lỗ hoàng điểm.
Lỗ hoàng điểm là gì?
Hoàng điểm ở trung tâm võng mạc, là một vùng hình bầu dục, rộng khoảng 3mm, nằm phía ngoài đĩa thị. Hoàng điểm nhìn sẫm màu hơn so với võng mạc vì ngoài tế bào biểu mô sắc tố, ở đó còn có nhiều sắc tố màu vàng (Xanhthoill).
Trung tâm hoàng điểm là một chỗ lõm xuống. Vùng hoàng điểm chỉ có tế bào gậy và tế bào nón, là nưoi cho thị lực cao nhất, tinh tế nhất. Hoàng điểm (điểm vàng) có vai trò giúp mắt nhìn rõ, có thể đọc sách và lái xe. Hố trung tâm là vùng vô mạch, rộng khoảng 0,5mm. Trao đổi chất đều dựa vào lớp biểu mô sắc tố.
Lỗ hoàng điểm xảy ra khi có một vết rách nhỏ trong hoàng điểm. Lỗ hoàng điểm gây ảnh hưởng đến thị lực tùy vào mức độ.
Triệu chứng thường gặp
Lỗ hoàng điểm phát triển dần dần. Giai đoạn đầu có thể nhận thấy sự khó khăn khi nhìn hoặc mắt bị mờ khi nhìn thẳng. Các đường thẳng hoặc vật thể có thể bắt đầu cong hoặc lượn sóng. Bạn cũng có thể gặp khó khăn khi đọc và làm các việc cần nhìn nhiều.
Nguyên nhân gây bệnh và yếu tố nguy cơ
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây nên lỗ hoàng điểm. Tình trạng lỗ hoàng điểm có thể có một số nguyên nhân như:
- Chấn thương
- Phù võng mạc trung tâm
- Tiền sử bị bong võng mạc
- Cận thị nặng
- Co kéo dịch kính – hoàng điểm.
Nguy cơ mắc phải
Lỗ hoàng điểm là bệnh liên quan đến lão hóa và thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi. Bệnh không đau và cũng có thể xảy ra không báo trước. Bệnh thường xảy ra ở một mắt, khoảng 10% mắt thứ hai có nguy cơ mắc bệnh. Lỗ hoàng điểm là bệnh không dẫn đến mất thị lực hoàn toàn vì thị lực ngoại vi không bị ảnh hưởng.
Chẩn đoán bệnh lỗ hoàng điểm
Nếu có những dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lỗ hoàng điểm, các bác sĩ sẽ khám và đề nghị làm xét nghiệm CĐHA. Khi kiểm tra mắt, bác sĩ sẽ nhỏ thuốc giãn đồng tử, soi đáy mắt. Bệnh nhân có thể phải chụp mạch huỳnh quang.
Người bệnh có thể được yêu cầu chụp cắt lớp kết hợp quang học (OCT), đây là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh.
Điều trị lỗ hoàng điểm
Lỗ hoàng điểm được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật khi có chỉ định. Trong quá trình phẫu thuật sẽ phải bơm khí vào phale thể. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần nằm ở tư thế úp mặt xuống từ một đến hai tuần để bong bóng khí ép lên hoàng điểm. Lúc đó, mắt sẽ được làm đầy tự nhiên bằng chất dịch. Tỉ lệ thành công trong việc cải thiện thị lực là 60 – 80% tùy thuộc vào tình trạng mỗi người.
Thói quen sinh hoạt phòng ngừa lỗ hoàng điểm
Mọi người đều có thể kiểm soát được tình trạng bệnh lỗ hoàng điểm nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Mang kính bảo hộ khi chơi thể thao hoặc sử dụng các dụng cụ bảo hộ;
- Thường xuyên khám mắt, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh lỗ hoàng điểm.
THs.BS Đỗ Minh Lâm
Tài liệu tham khảo: