Lác (lé) mắt có chữa được không?

Lác (hay còn gọi lé) là một trong những bệnh về mắt không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn thẩm mỹ của người bệnh. Vậy lác mắt có thể chữa được hay không? Khả năng phục hồi sau chữa lác ra sao?

Hãy cùng Bác sĩ Lê Thục Nhi (Trưởng khoa Mắt tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn) tìm hiểu ngay về bệnh, nguyên nhân và các cách chữa lác hiệu quả để người bệnh có được thị lực bình thường, cũng như lấy lại sự tự tin trong cuộc sống.

Lác là gì? Vì sao người bệnh bị lác mắt?

Lác mắt là một bệnh lý mà 2 mắt không nhìn cùng một hướng và mắt lé nhìn theo nhiều hướng khác nhau. 1 mắt có thể nhìn thẳng, còn mắt kia nhìn vào trong ra ngoài lên trên hoặc xuống dưới. Sự chuyển hướng của mắt có thể cố định hoặc tạm thời, mắt nhìn thẳng và mắt nhìn lệch có thể hoán đổi hoặc luân phiên nhau. Bệnh lác có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, thậm chí lác cũng có thể di truyền trong gia đình.
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh lác là 2 mắt không nhìn về cùng 1 hướng, nhìn đôi (song thị), hoặc cũng có biểu hiện bệnh nhân nhức mỏi mắt. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lác bao gồm:

  • Lác bẩm sinh: Là loại lác gặp nhiều nhất trong thực hành lâm sàng, các bệnh nhân bị lác từ 6 tháng tuổi trở lên được gọi là lác bẩm sinh.
  • Lác do bệnh lý đục thuỷ tinh thể và bệnh lý đáy mắt.
  • Lác do tăng huyết áp và tiểu đường gây tổn thương thần kinh chi phối cơ vận nhãn gây lác mắt.
  • Lác do cận thị nặng bẩm sinh.
  • Lác do bệnh tuyến giáp.
  • Lác do chấn thương mắt gây tổn thương các cơ hoặc các cơ bị kẹt.
    Theo nghiên cứu, có 2-3 triệu người Việt Nam mắc bệnh lác. Bệnh này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân, đồng thời gây ra sự tự ti do vấn đề thẩm mỹ đôi mắt. Thêm vào đó, nếu lác xảy ra ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác có thể gây mất thị lực (nhược thị), mất khả năng nhận thức chiều sâu, khả năng canh khoảng cách kém, dễ bước hụt chân cầu thang.

Lác có thể chữa được không? Những cách chữa lác mắt

Theo BS Lê Thục Nhi, lác mắt hoàn toàn có thể điều trị được. Tuy nhiên, mức độ phục hồi và mục tiêu điều trị đối với mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân, độ tuổi, thời gian mắc lác bao lâu. Đối với nhãn khoa, mục tiêu chính của điều trị lác là để có thị giác 2 mắt tốt nhất, giúp bệnh nhân nhìn được hình ảnh 3 chiều và có sự thuận lợi trong cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công việc…
Đối với trẻ em, khả năng lấy lại thị giác cao hơn người lớn tuổi và mức độ hồi phục tốt nhất ở trẻ em dưới 3 tuổi. Vì vậy các bậc phụ huynh phát hiện con cháu bị lác mắt hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.
Đối với người lớn bị lác, đa phần điều trị lác chỉ có mục đích thẩm mỹ.
Có nhiều phương pháp điều trị lác bao gồm:

  • Chỉnh quang.
  • Tập quy tụ, tập liếc mắt.
  • Che mắt điều trị nhược thị.
  • Tiêm thuốc Botulium Toxin để làm cơ đối vận với cơ bị liệt yếu đi, mổ mắt lác để chỉnh lệch trục nhãn cầu.
    Để xác định được phương pháp điều trị phù hợp, bệnh nhân cần được khám nhãn khoa chuyên sâu. Đặc biệt đối với trẻ em, quy trình khám mắt có thể cần nhiều lần tái khám để chọn được phương án điều trị tối ưu.
    BS Thục Nhi chia sẻ: “Bệnh nhân và người nhà nên tránh tự điều trị “lác nhẹ” (lé kim) theo kinh nghiệm hoặc truyền miệng vì sẽ có thể bỏ lỡ thời điểm vàng trong điều trị lác (dưới 3 tuổi đối với lác bẩm sinh)”.
    Phẫu thuật lác điều trị cả mục tiêu duy trì thị giác 2 mắt và mục tiêu thẩm mỹ. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật lác là trên 95% đối với mục tiêu thẩm mỹ, còn với mục tiêu duy trì thị giác 2 mắt ở trẻ nhỏ, càng thực hiện sớm càng tăng tỷ lệ thành công.
    Phẫu thuật lác được thực hiện bằng cách gây tê tại chỗ, bao gồm nhỏ tê và tiêm gây tê với áp lực nhẹ nhàng, hoàn toàn không đau đớn trong suốt quá trình phẫu thuật. Đối với trẻ nhỏ phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Phẫu thuật lác không cần nằm viện, bệnh nhân có thể ra về ngay sau phẫu thuật.

Chi phí chữa lác

Để biết được phương pháp điều trị phù hợp cho bản thân và mức phí tương ứng, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa để được sự tư vấn từ bác sĩ. Tại Hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn, phẫu thuật lác có mức phí giao động từ 4-8 triệu đồng tùy mức độ bệnh lý, phương pháp gây tê hay gây mê toàn thân và phụ thuộc vào việc bác sĩ cần can thiệp 1 hay 2 mắt để điều trị lác.
Nếu bạn vẫn còn đang băn khoăn về bệnh lý lác của bản thân và người thân, đặc biệt là các cháu nhỏ tuổi, hãy đặt lịch khám ngay với bác sĩ nhãn khoa Mắt Sài Gòn để được tư vấn và có phương pháp điều trị hiệu quả kịp thời.


BS Lê Thục Nhi – Trưởng khoa Mắt tổng hợp (BV Đa Khoa Mắt Sài Gòn).
Với hơn 9 năm kinh nghiệm làm việc tại khoa Mắt tổng hợp, BS Lê Thục Nhi chuyên khám và điều trị lác (lé) cho cả trẻ em và người lớn.

Theo Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ: