Hè Đừng Chăm Da Mà Quên Mắt: Bác Sĩ Tiết Lộ Lý Do!

Sự gia tăng nhiệt độ ngày hè cộng với việc tiếp xúc thường xuyên với môi trường máy lạnh khiến mắt dễ mất nước và đối mặt với tình trạng khô mắt, mỏi mắt cùng nhiều bệnh lý khác như viêm kết mạc, khô mắt… Chuyên gia còn tiết lộ một số nguyên nhân tưởng chừng đơn giản nhưng rất dễ bỏ qua khiến bệnh về mắt càng được dịp bùng phát mùa hè này.

BS Nguyễn Thị Phương (Trưởng khoa Khám – Bệnh viện Mắt Sài Gòn Ngô Gia Tự) cho biết:

Mùa hè là thời điểm người dân tăng cường các hoạt động tắm biển, đi bơi ở các bể bơi công cộng hay ở ở nông thôn thì có thói quen tắm nước ao hồ, sông suối. Việc tiếp xúc với nguồn nước bẩn nếu không có kính che chắn dễ dẫn tới tình trạng mắt đỏ, loét. Chưa hết, nhiều loại vi khuẩn tồn tại trong nước như Chlamydia, vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm ở vùng sinh dục cũng được dịp lây lan rộng.

Tác nhân thứ hai gây hại cho mắt thời điểm mùa nắng nóng phải kể đến tia UV và các tia bức xạ bước sóng ngắn gây hại (HEV). Thời điểm 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều là thời điểm mà lượng tia bức xạ cao nhất trong ngày. Tia cực tím từ ánh nắng mắt trời có khả năng làm tổn thương giác mạc, đục thủy tinh thể, tăng nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng.

Bề mặt nhãn cầu không có kính bảo hộ sẽ bị cháy nắng, thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Nhiều bệnh như thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể hay ung thư mí mắt cũng có nguy cơ cao hình thành.

Kính râm, bạn đồng hành không thể thiếu để bảo vệ mắt khi đi biển

Nhóm nguyên nhân thứ ba là nhóm nguyên nhân mà các đối tượng nhân viên văn phòng dễ mắc nhất. Việc tiếp xúc thường xuyên với thiết bị điện tử trong môi trường máy lạnh điều hòa 24/7 dẫn tới sự mất nước rất nhanh ở tất cả các cơ quan trong cơ thể, không ngoại trừ mắt. Do đó, nước mắt khô nhanh, không đủ dinh dưỡng đi nuôi giác mạc.

Cuối cùng, việc tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại, khói bụi, nguồn nước ô nhiễm và sự tích tụ các hóa chất độc hại cũng gây nên tình trạng khô, mỏi mắt liên tục vào mùa hè.

5 bệnh về mắt thường gặp nhất mùa hè và dấu hiệu nhận biết

  • Khô mắt: có cảm giác ngứa cay, nóng rát, chói sáng, chảy nước mắt, cảm giác như có dị vật trong mắt.
  • Viêm kết mạc (Đau mắt đỏ): Mắt đỏ, đổ ghèn, chảy nước mắt, cộm xốn cảm giác như có dị vật, thường bị một mắt sau vài ngày thì lây sang mắt còn lại. Một số trường hợp có thể gặp sau đợt viêm long hô hấp trên, sau nhiễm siêu vi nên có thể kèm theo sốt, ho sổ mũi trước vài ngày.
  • Viêm kết mạc dị ứng: Các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết ghèn dây mắt. Diễn tiến nặng hơn thì phù nề, mi co quắp, chói sáng.
  • Lẹo mắt: Mi mắt sẽ hơi sưng, hơi đỏ, kèm theo ngứa và điểm đau khu trú.
  • Viêm giác mạc do tia cực tím với các triệu chứng như đỏ mắt, đau nhức nhối âm ỉ, từng lúc dội lên, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ. Thường bị cả hai mắt sau khi tiếp xúc tia cực tím từ 6-12 giờ.

Phương pháp bảo vệ mắt mùa hè

thuc-pham-tot-cho-mat
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin thiết yếu giúp mắt khỏe từ sâu bên trong

Một đôi mắt khỏe chính là một đôi mắt đẹp. Để hạn chế tình trạng khô, mỏi mắt và tăng cường sức đề kháng cho đôi mắt sáng khỏe, cần lưu ý một số điểm sau:

  • Không bơi lội ở những nơi có nguồn nước bẩn không đảm bảo vệ sinh, mang kính bảo hộ khi đi bơi ở hồ hơi công cộng. Sau khi bơi xong nên rửa sạch mắt bằng nước muối sinh lý .
  • Nếu công việc tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử, máy tính, nguồn ánh sáng xanh, nên cho mắt thư giãn 30 – 45 phút để mắt có thời gian nghỉ ngơi.
  • Ngủ đủ giấc, không nên thức khuya, tránh sử dụng điện thoại, máy tính bảng trước khi ngủ vì chúng có thể gây mỏi mắt, giảm chất lượng giấc ngủ.
  • Cần thận trọng khi sử dụng kem chống nắng tránh để kem dính vào bên trong mắt, cần rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch ngay khi bị dính vào mắt.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể nhằm cung cấp đủ độ ẩm cần thiết cho mắt.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng giàu vitamin A, vitamin B2, kẽm, dầu cá, omega 3…và các vi chất cần thiết cho mắt khỏe. (Tham khảo 10 thực phẩm tốt cho mắt giúp mắt sáng khỏe)

Trưởng khoa Khám – Bệnh viện Mắt Sài Gòn Ngô Gia Tự

BS Nguyễn Thị Phương

Chia sẻ: