Giải đáp 10 câu hỏi thường gặp về phẫu thuật Phakic

Ai phù hợp để phẫu thuật PHAKIC? Phẫu thuật có đau không? Liệu tôi có bị tái cận sau phẫu thuật? Tất cả những thắc mắc hàng đầu của bạn sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

PHAKIC là phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng cách đặt thấu kính nội nhãn rất nhỏ, mỏng, cực kỳ mềm dẻo được thiết kế riêng theo thông số mắt của mỗi người.

Thấu kính được đặt ở vị trí ngay sau mống mắt và phía trước thủy tinh thể. Thấu kính hoạt động như một kính đeo mắt khúc xạ để giảm cận thị, viễn thị và loạn thị về mặt quang học. Nhờ cơ chế hoạt động này, phẫu thuật Phakic có thể điều trị lên đến 30 độ cận hoặc 15 độ viễn đi kèm 10 độ loạn.

Khác với cơ chế hoạt động của các phương pháp phẫu thuật khúc xạ laser, phương pháp Phakic không bào mòn lớp tế bào giác mạc. Vì vậy các giới hạn về độ dày giác mạc, độ khúc xạ cao của bệnh nhân không còn là cản trợ trong điều trị bằng Phakic.

Được xem là tầm cao mới trong điều trị tật khúc xạ với nhiều điểm ưu việt, phương pháp Phakic được rất nhiều khách hàng quan tâm. Hãy cùng Hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn tìm hiểu lời giải đáp từ các Bác sĩ cho 10 câu hỏi thường được bệnh nhân, khách hàng nêu ra nhiều nhất xoay quanh phương pháp này nhé!

1) Đối tượng nào phù hợp phẫu thuật?

  • Độ tuổi từ 21 – 45 tuổi, có độ khúc xạ ổn định ít nhất từ 6 tháng
  • Người không muốn thực hiện các phương pháp phẫu thuật khúc xạ sử dụng tia laser để bảo toàn cấu trúc của mắt
  • Người có giác mạc mỏng hoặc không đủ điều kiện phẫu thuật khúc xạ laser
  • Phụ nữ đang không mang thai hoặc cho con bú
  • Người có các kết quả chẩn đoán về mắt phù hợp. Các kết quả này sẽ được Bác sĩ và Kỹ thuật viên Mắt Sài Gòn chấn đoán, đo lường, ghi nhận cụ thể tại bước Khám chuyên sâu trước phẫu thuật PHAKIC:
    1. Độ sâu tiền phòng (ACD) trên 3.0mm, góc tiền phòng ít nhất grade III trở lên
    2. Mắt số lượng tế bào nội bình thường, không bị loạn dưỡng nội mô
    3. Không bị giác mạc hình chóp hoặc bệnh lý khác về giác mạc.
    4. Không bị nhược thị hoặc mù 1 mắt
    5. Không bị tăng nhãn áp
    6. Không bị đục thủy tinh thể

2) Được xem là “vị cứu tinh” cho độ khúc xạ cao, khoảng điều trị của PHAKIC là bao nhiêu?

Thấu kính hoạt động như một kính đeo mắt khúc xạ để giảm cận thị, viễn thị và loạn thị về mặt quang học. Nhờ cơ chế hoạt động này, phẫu thuật Phakic có thể điều trị lên đến 30 độ cận hoặc 15 độ viễn đi kèm 10 độ loạn.

3) Phẫu thuật PHAKIC có đau không?

Quy trình phẫu thuật diễn ra rất nhanh chóng, trung bình chỉ trong 20-30 phút. Bác sĩ tạo vết mổ nhỏ ở rìa giác mạc, mắt cũng được nhỏ tê bề mặt nên bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, không đau trong suốt quá trình.

4) Tôi sẽ cảm giác như thế nào sau khi đặt thấu kính vào mắt?

Thấu kính có kích thước rất nhỏ và mỏng, đặc tính mềm dẻo, trong suốt. Kết hợp với vật liệu Collamer tương thích sinh học cao với cơ thể người, nên người đặt thấu kính hoàn toàn không cảm thấy cộm vướng hay đau nhức trước, trong, sau phẫu thuật. Người đặt thấu kính cảm thấy thoải mái, hoàn toàn không cảm nhận được kính đang ở trong mắt mình. Điểm khác biệt duy nhất người đặt thấu kính cảm nhận được đó chính là tầm nhìn sắc nét, sống động sau khi phẫu thuật.

5) Tôi có bị tái cận sau phẫu thuật Phakic không?

Phẫu thuật PHAKIC không tác động vào cấu trúc của mắt, không làm mỏng giác mạc, độ khúc xạ của người bệnh cũng không bị thay đổi, do vậy gần như không có khái niệm “tái cận” đối với phẫu thuật PHAKIC. Bên cạnh đó, thấu kính có tác dụng giúp ổn định độ khúc xạ của người bệnh, giúp mắt không phải điều tiết quá nhiều như khi đeo kính gọng.  

6) Thấu kính sau khi đặt vào mắt có phải lấy ra để thay mới hoặc bảo trì không?

Thấu kính được làm bằng vật liệu Collamer có tính tương thích sinh học cao với cơ thể người. Nhờ vật liệu tiên tiến này, hệ miễn dịch của cơ thể không phát hiện thấu kính là vật thể lạ, không xảy ra trường hợp đào thải. Do đó, kính có tuổi thọ tương đương với tuổi thọ của mắt trong điều kiện bình thường. Kính có thể thích nghi linh hoạt trong mắt, không cần tháo kính để vệ sinh hoặc bảo trì.

Bác sĩ chỉ chỉ định lấy thấu kính ra trong trường hợp mắt cần phẫu thuật thay thủy tinh thể khi bị đục. Việc lấy thấu kính ra được thực hiện rất dễ dàng, nhanh chóng.  

7) Người đối diện nhìn vào mắt có biết tôi đã phẫu thuật không?

Thấu kính rất mỏng, nhỏ và trong suốt. Kính được thiết kế như một phần tự nhiên của đôi mắt, được đặt sâu trong mắt. Vì vậy người đối diện khi nhìn vào mắt sẽ không nhận biết được bạn đang đeo kính. 

8) Độ an toàn của phẫu thuật PHAKIC?

Phương pháp đặt thấu kính nội nhãn đã được áp dụng từ những năm 1980 trên thế giới. Sau nhiều năm phát triển và cải tiến, hiện nay phương pháp này đã được tin dùng trên 75 quốc gia. Hơn 1,000,000 ca mổ đã được thực hiện, trong đó 99% bệnh nhân hài lòng với kết quả sau phẫu thuật.

Hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn sử dụng công nghệ kính ICL của STAAR Surgical (Mỹ), đã được Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép từ năm 2005, và thương hiệu EyeOL (Anh) nổi tiếng toàn cầu, chứng minh cho sự an toàn và hiệu quả.

9) Kính có bị vỡ không?

Vì kính được làm từ chất liệu siêu mềm dẻo, mỏng nên không thể bị vỡ dù có gặp bất kỳ tác động gì. Kính được đặt vào vị trí sau mống mắt và nằm trước thủy tinh thể nên không bị các tác nhân bên ngoài như khói, bụi, sức nóng của hơi nước ảnh hưởng. Khi bị tác động bởi bất kể các yếu tố kích thích nào, mi mắt sẽ có phản xạ nhắm lại để bảo vệ nhãn cầu, bao gồm cả kính bên trong.

10) Sau phẫu thuật PHAKIC cần sinh hoạt, chăm sóc mắt như thế nào?

Sau phẫu thuật PHAKIC, bạn cần:

  • Nhỏ thuốc đầy đủ theo toa Bác sĩ, tránh đụng chạm vào mắt
  • Cho mắt nghỉ ngơi, hạn chế dùng thiết bị điện tử trong tuần đầu. Khi cần làm việc, cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút mỗi 30 phút làm việc
  • Kiêng chất bẩn, hóa chất với mắt trong tháng đầu sau phẫu thuật
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

 

Chia sẻ: