CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT: TÂN MẠCH HẮC MẠC, MỘT BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA CẬN THỊ NẶNG
Theo thống kê, có khoảng 10% mắt bị cận thị thoái hoá sẽ phát triển tân mạch hắc mạc. Đây là tình trạng xuất hiện thêm nhiều mạch máu tại hắc mạc, các mạch máu này ít chức năng nhưng lại dễ vỡ, gây ra tình trạng xuất huyết dưới võng mạc, mất thị lực đột ngột, dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị.
Hắc mạc là phần nào của mắt?
- Trong cấu tạo của vỏ nhãn cầu có 3 lớp màng, trong đó màng bồ đào hay gọi là màng mạch có chứa nhiều mạch máu nuôi dưỡng nhãn cầu, tiết thủy dịch, điều hòa nhãn áp, chỉnh lượng ánh sáng vào trong nhãn cầu, tạo buồng tối để hình ảnh rõ nét hơn.
- Hắc mạc là phần sau của màng bồ đào, có chứa nhiều mạch máu để nuôi dưỡng cho nhãn cầu và có nhiều tế bào mang sắc tố đen để tạo cho buồng tối cho mắt giúp vật ngoài in rõ nét trên võng mạc.
Khi gặp tình trạng tân mạch hắc mạc người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như:
- Giảm thị lực nhanh chóng, người bệnh thấy nhìn hình ảnh mờ, không rõ vật
- Không phân biệt rõ màu sắc của vật
- Hình ảnh bị biến dạng, đặc biệt là thấy hiện tượng hình đường thẳng sẽ thành các đường cong
- Lóa mắt
- Có ám điểm trung tâm hay ngoại biên. Tức là thấy đốm đen ở trước mắt.
Bệnh tân mạch hắc mạc có thể được chẩn đoán bằng thăm khám trên lâm sàng khi có dấu hiệu của bệnh, kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại như:
- Chụp ảnh màu đáy mắt
- Chụp cắt lớp võng mạc OCT
- Chụp mạch huỳnh quang
Việc điều trị hiện nay hiệu quả nhất vẫn là tiêm nội nhãn thuốc ức chế tăng sinh tân mạch (kháng VEGF). Việc điều trị sẽ mang lại quả tốt nhất với những trường hợp bệnh tân mạch hắc mạc giai đoạn sớm. Do đó việc phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn thị lực cho bệnh nhân.