Các chất dinh dưỡng phòng bệnh ở mắt

Có rất nhiều bệnh ở mắt liên quan đến tuổi tác (như thoái hoá hoàng điểm, đục thể thuỷ tinh, glocom, mù loà…). Tuy nhiên, phần lớn các bệnh này có thể phòng chống hay làm chậm sự phát triển nhờ các yếu tố dinh dưỡng. Hãy cùng xem các chất dinh dưỡng nào có liên quan tới các chức năng ở mắt và có thể phòng bệnh mắt nhé!

Xem thêm: Chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt khỏe đẹp

1.Betacarotene và vitamin A

dinh dưỡng phòng bệnh ở mắt

Có thể nói, betacarotene là một chất dinh dưỡng quan trọng nhất với đôi mắt. Betacarotene là tiền chất của vitamin A, trong khi vitamin A có tác dụng trợ giúp thị lực ban đêm và đảm bảo ngưỡng bình thường cho một loại sắc tố cần thiết để dẫn truyền tín hiệu thị giác.

Thiếu vitamine A có thể dẫn đến suy giảm thị giác, gây mỏi mắt, khô mắt, tổn hại cho các thành phần vỏ bọc nhãn cầu, mất tính trong suốt của giác mạc, các thành phần biểu mô không thể tái tạo lại được. Biểu hiện nặng của thiếu vitamin A là mất thị giác vào ban đêm.

Tuy vậy, nếu vì muốn “bồi bổ” cho mắt mà dùng quá liều vitamin A thì lại gây “phản tác dụng”. Cách an toàn để bổ sung vitamin A là bổ sung các tiền chất của vitamin A, cụ thể là betacarotene với liều khoảng 500mg/ ngày.

Một số thực phẩm giàu betacarotene là: gấc, rau ngót, rau húng, tía tô, rau dền cơm, cà rốt, cà chua, dưa hấu, rau dền đỏ, cần tây, rau đay, rau kinh giới, một vài loại rong biển… Bổ sung betacarotene vừa giúp mắt sáng khỏe, vừa nâng cao sức đề kháng của hệ miễn dịch.

2.Astaxanthine

dinh dưỡng phòng bệnh ở mắt

Astaxanthine là một carotenoids, được tìm thấy trong các loài sinh vật biển, đặc biệt như tảo, cá hồi, tôm càng, tôm hùm và trứng cá. Nghiên cứu cho thấy, astaxanthine có thể làm giảm nguy cơ thoái hoá hoàng điểm.

Asraxanthine được chiết ra từ rong biển còn tốt hơn cả betacarotene do nó có khả năng dễ dàng xuyên qua hàng rào máu – não, có khả năng bảo vệ võng mạc chống lại các tác nhân oxy hoá, chống lại sự hao hụt các tế bào cảm thụ quang. Mặt khác, do bảo vệ được neurone võng mạc nên astaxanthine cũng sẽ bảo vệ được neurone não và tuỷ sống, chống lại tác hại của các gốc tự do.

3.Các vitamin khác

Nhìn chung, mỗi vitamin đều có lợi ích nhất định đối với sức khỏe, nhưng riêng với đôi mắt, có một vài vitamin có vai trò đặc biệt.

-Vitamin B2: Là vitamin cần thiết cho tính toàn vẹn của da, niêm mạc, mắt và chuyển hoá glucide. Liều khuyên dùng với vitamin B2 là khoảng 50-100mg/ngày. Cũng có thể dùng phối hợp với các vitamin nhóm B khác như vitamin B1, B6 và phospholipids.

-Vitamine C và E: Đây là 2 vitamin chống oxi hoá, có vai trò bảo vệ mắt. Một nghiên cứu cho thấy: nếu dùng vitamine E 400mg/ngày liên tục trong 5 năm có thể làm giảm được 56% nguy cơ xuất hiện đục thể thuỷ tinh, còn dùng vitamin C liều 500mg có thể giảm được 70% nguy cơ đục thể thủy tinh.

4.Benfotiamine

Đây là một dẫn xuất của thiamine hay vitamine B1, hay nói cách khác: Benfotiamine là một chất có nguồn gốc từ thiamine (vitamin B1). Tuy nhiên, benfotiamine thấm qua màng tế bào dễ hơn vitamine B1, do vậy nó sẽ được hấp thu tốt hơn.

Benfotiamine cần thiết cho mắt của người già hoặc người bị tiểu đường bởi mắt của những đối tượng này dễ bị tổn hại bởi chuyển hoá đường cùng với quá trình oxy hoá, là cơ chế chủ yếu thứ 2 của quá trình giáng hóa sinh hoá trong sự lão hóa.

5.Luteine và zeaxanthine

dinh dưỡng phòng bệnh ở mắt

Nghiên cứu cho thấy: liều dùng hàng ngày của Luteine và zeaxanthine là 6mg sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Ở người đang bị bệnh, luteine sẽ làm chậm lại diễn tiến của bệnh.

Dù cơ chế hoạt động của Luteine và zeaxanthine còn chưa được rõ ràng nhưng có lẽ chúng bảo vệ võng mạc trước những thành phần có hại trong ánh sáng mặt trời. Mặt khác các thành tố chống oxy hoá của 2 sắc tố này có thể trung hoà được các gốc tự do, được sản sinh ra trong các phản ứng quang hoá tại mắt.

Vai trò của Luteine và zeaxanthine còn được nhắc đến trong việc phòng ngừa đục thể thuỷ tinh. Lượng Luteine và zeaxanthin giảm liên quan chặt chẽ đến việc xuất hiện thoái hoá hoàng điểm.

Các sản phẩm dinh dưỡng có chứa Luteine và zeaxanthine được khuyên dùng cho tất cả những người trên 50 tuổi. Rau xanh, một số loại quả có màu vàng và màu cam là nguồn cung cấp Luteine và zeaxanthine sẵn có.

6.Phospholipid

Phospholipid là thành phần cấu tạo cơ bản của màng tế bào võng mạc. Các lớp màng lipid kép này được cơ thể tổng hợp để đảm bảo tính thấm và tự nhân lên của các tế bào. Thực phẩm chứa nhiều phospholipid chủ yếu là lòng đỏ trứng, gan,  sữa, các loại dầu thực vật. Ngoài ra có thể bổ xung phospholipid bằng các sản phẩm dinh dưỡng chức năng.

Lưu ý: Mặc dù trong các nội tạng như gan, tim và óc có chứa nhiều phospholipid nhưng đồng thời cũng chứa nhiều cholesterol và nhiều mầm bệnh nguy hiểm, vì vậy cần hạn chế sử dụng. Những người cao tuổi, người mắc các chứng bệnh rối loạn chuyển hóa như xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, tiểu đường, béo phì… thì không nên dùng nội tạng.

7.Axit béo Omega-3

dinh dưỡng phòng bệnh ở mắt

Axit béo Omega-3 rất tốt cho sức khỏe đôi mắt. Hai chất quan trọng đối với mắt là DHA và EPA đều có trong axit béo Omega-3. DHA có nồng độ cao trong võng mạc, một màng ở sau nhãn cầu nhạy cảm với ánh sáng, trong khi đó EPA được sử dụng cho cơ thể để sản xuất DHA.

Nếu DHA và EPA có nồng độ thấp sẽ liên quan đến các vấn đề về mắt. Mặt khác, axit béo Omega-3 cũng là chất chống viêm tự nhiên, giúp làm ẩm mắt. Những thực phẩm giàu axit béo Omega-3 là: trứng, cá hồi, cá mòi, cá ngừ, quả óc chó, hạt bí ngô, dầu hạt cải, súp lơ, các loại rau có màu xanh đậm.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

Biên tập TTT

Tài liệu tham khảo:

https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/top-foods-to-help-protect-your-vision

http://viendinhduong.vn/

https://www.aao.org/eye-health/news/four-fantastic-foods

Chia sẻ: