Bỏng mắt: nguyên nhân, hình thái, đặc điểm chung của bỏng hóa chất

Tai nạn bỏng nói chung, bỏng mắt nói riêng có thể xảy ra với bất kì ai, các trường hợp bỏng mắt thường điều trị gặp khó khăn, tiên lượng rất dè dặt.

Bỏng mắt do nổ bình ắc quy

Anh Nguyễn Văn T (25 tuổi, ở Quảng Ninh) làm nghề sửa xe máy. Hôm đó, không hiểu anh đấu nối thế nào mà ắc quy bỗng phát nổ.Kết quả axit từ bình ắc quy bắn thẳng vào mắt.Sau đó anh được đưa đi cấp cứu từ tuyến tỉnh đến tuyến Trung Ương, điều trị dài ngày. Dù được điều trị tích cực nhưng thị lực hai mắt của anh vẫn suy giảm nghiêm trọng.

Theo các bác sĩ, bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, tốn thương chủ yếu kết giác mạc, điều trị gặp nhiều khó khăn, tiên lượng dè dặt, có thể mù không hồi phục.

Bệnh nhân T tuổi còn trẻ nhưng do không may bị tai nạn bỏng mắt mà sau đó một mắt gần như hỏng hoàn toàn, một mắt thị lực cũng rấy yếu. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của bệnh nhân.

bỏng mắt do hóa chất

Bỏng mắt do nổ bình ắc quy hay do vôi tôi, tia lửa điện, các hóa chất nói chung đột ngột bắn vào mắt rất thường xảy ra. Các phòng tránh là đeo kính bảo hộ trong quá trình lao động để hạn chế phần nào tai nạn bỏng mắt.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, còn cần tuân thủ an toàn lao động bằng cách: thận trọng khi đấu nối ắc quy, súc rửa dụng cụ thí nghiệm có hóa chất: tuyệt đối không vội vàng mà làm ẩu dẫn đến bắn hóa chất vào mắt bởi đã xảy ra bỏng mắt thì rất nguy hiểm.

Các nguyên nhân và hình thái bỏng mắt

Nguyên nhân bỏng được chia làm hai loại:

  • Bỏng do các yếu tố hóa chất: axit hoặc bazơ
  • Bỏng do các yếu tố vật lý: bỏng nhiệt, bỏng lạnh, bỏng điện, bỏng tia hồ quang (bóng hàn), tia cực tím…

Trong các nguyên nhân trên, bỏng hóa chất là thưởng xảy ra nhất.

Hình thái bỏng mắt cũng được chia ra làm 2 loại, gồm:

  • Bỏng các phần phụ ngoài nhãn cầu.
  • Bỏng các cấu trúc bên trong và cực sau nhãn cầu.

Đặc điểm chung của bỏng hóa chất

Trong bỏng hóa chất, tác nhân gây bỏng thường gặp nhất là: axit Sulfuric, axit Nitric…: Các Bazơ: Xút, amoniac, vôi…Tai nạn bỏng hóa chất thường xảy ra trong công nghiệp, phòng thí nghiệm, sinh hoạt.Phần hóa chất là dạng lỏng tiếp xúc trực triếp với mắt khi gây bỏng.

Sau khi bị bỏng các mạch máu kết mạc vùng rìa thường bị tắc gây rối loạn dinh dưỡng giác mạc làm cho các tổn thương giác mạc khó hồi phục. Bỏng hóa chất thương nghiêm trọng do hóa chất có thể gây nên một số phản ứng hóa học:

– Thay đổi PH.

– Phá hủy các protein.

– Làm tê liệt các hoạt động các men cần thiết cho chuyển hóa của tế bào.

– Hạ thấp chuyển hóa oxy.

Tuy nhiên mức độ bỏng nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào:

– Thời gian hóa chất ở trong mắt: càng lâu bỏng càng nặng.

– Tính chất vật lý của hóa chất: độ bền vững hay chóng biến mất, dễ hay khó hòa tan, khả năng thẩm thấu và hút nước.

– Tính chất hóa học: axit hay bazơ.

– Tác dụng nhiều hay ít, nông hay sâu tới các protein.

Đặc điểm bỏng axit

Axit là một dạng hóa chất.Axit làm protein đông lại thành chất proteinat axit không hòa tan, trở thành hàng rào ranh giới không cho chất axit thẩm thấu sâu thêm vào cơ thể. Vì vậy bỏng axit trên lâm sàng có biểu hiện:

– Bỏng phá hủy nhanh nhưng hạn chế về chiều sâu.

– Bỏng không có xu hương lan rộng.

– Tiên lượng phục hồi tổn thương có thể biết được sau bỏng.

Ở bỏng axit, mức độ bỏng nặng và lan rộng bề mặt phụ thuộc vào bản chất, độ đậm đặc và nồng độ PH của axit. Cụ thể, những axit có PH < 2,5 – 3 sẽ hoại tử sâu, những axit có PH yếu(loãng) gây tổn thương chủ yếu lớp biểu mô hoặc mô nhục giác mạc.

Trong số những axit thì những axit kim loại gây bỏng nặng hơn axit hữu cơ và các anhydric hữu cơ. Các axit kim loại như a.sulfuric, a.nitric… là những axit mạnh có độ đậm đặc cao có thể phá hủy toàn bộ giác mạc và các cấu trúc ngoài nhãn cầu. Các anhydric acetic, maleic, succinic… những axit này gây độc cho giác mạc bởi vì nó có đặc tính xâm nhập vào giác mạc như kiềm.

Đặc điểm bỏng kiềm

bỏng mắt do hóa chất

Cũng được xếp loại bỏng hóa chất, nhưng bỏng kiềm là loại bỏng bặng nhất vì nó lan rộng va phá hủy sâu gây những biến chứng nặng nề, nhiều khi rất khó tiên lượng. Cơ chế hóa học của bỏng kiềm khó phức tạp và thể hiện bằng những phản ứng chính sau:

-Tạo thành các proteinat bazơ, gây xà phòng hóa làm phá hủy hàng rào biểu mô giúp cho chất bazơ thẩm thấu sâu vào tổ chức.

-Rút nước từ các tế bào làm tăng khả nặng hoại tử của tế bào.

Đặc biệt, bỏng vôi sống dưới dạng bột hay vôi cục khi vào mắt gặp nước sẽ trở thành vôi tôi và tỏa ra nhiệt làm cho mắt bị bỏng nặng và liên tục. Chất bazơ gây ra nhiều tiết dử, hoại tử kết mạc rộng và sâu, sau này sẽ gây dính cùng đồ.

Phân loại bỏng

Theo phân loại bỏng của Poliak (1957): bỏng được chia làm 4 độ

Độ Biểu hiện ở mi Biểu hiện ở kết mạc và củng mạc Biểu hiện ở giác mạc
I Cương tụ da Cương tụ kết mạc Chợt biểu mô nông
II Bọng nước Màng giả (thiếu máu kết mạc) Đục nông, vẫn thấy rõ hình ảnh mống mắt
III Hoại tử da Hoại tử kết mạc một phần Đục sâu không hoàn toàn (như kính mờ)
IV Hoại tử dưới da và sụn Hoại tử kết mạc và củng mạc Đục sâu hoàn toàn (màu trắng sứ)

Điều trị bỏng mắt

Điều trị bỏng mắt sẽ tùy từng trường hợp cụ thể: tác nhân gây bỏng, diện tích bỏng, tổn thương cụ thế… Như vậy , với mỗi bệnh nhân bỏng mắt sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Tuy nhiên, có nguyên tắc chung trong điều trị bỏng mắt, đó là:

  • Loại trừ chất gây bỏng
  • Chống đau
  • Chống nhiễm khuẩn
  • Chống dính
  • Chống thiếu dinh dưỡng giác mạc.

Do tai nạn bỏng mắt thường rất nặng nề nên mọi người cần có các biện pháp bảo vệ mắt (bằng kính bảo hộ), tránh để xảy ra tai nạn. Trường hợp không may tai nạn xảy ra, nên cấp cứu bằng cách rửa mắt bằng nước sạch có sẵn , sau đó đến ngay các cơ sở chuyên khoa để được các bác sĩ tiếp tục xử trí cấp cứu.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

Ths.BS Nguyễn Văn Khang

Tài liệu tham khảo:

http://www.benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/mat/bong-mat/965/

Bỏng mắt cách phòng tránh và điều trị – PGS.TS. Nguyễn Thu Yên – Bệnh viện mắt trung ương – See more

https://www.aao.org/eye-health/symptoms/burning-eyes

Chia sẻ: