Bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng đến mắt như thế nào?
Bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng đến mắt có thể khiến vỡ các mạch máu và chảy máu trong mắt, gây mờ mắt hoặc mù vĩnh viễn.
Bệnh tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là biểu hiện áp lực máu trong lòng động mạch máu khi tim bơm máu cung cấp cho các mô trong cơ thể. Sau 1 thời gian, áp lực gia tăng có thể gây tổn thương tim và gây ra đột quỵ.
Bệnh tăng huyết áp khá phổ biến. Căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam do tuổi thọ ngày càng cao nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cao bị mắc bệnh tiểu đường và thói quen ăn nhiều muối.
Huyết áp cao tác động vào thành động mạch liên tục góp phần gây xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch). Bệnh cao huyết áp tiến triển âm thầm trong nhiều năm, người bệnh sẽ không phát hiện ra triệu chứng bệnh. Thậm chí dù không có biểu hiện nào, chứng cao huyết áp vẫn liên tục gây tổn thương mạch máu, cơ quan, nhất là não, tim, mắt và thận.
Việc phát hiện ra bệnh sớm vô cùng quan trọng. Theo dõi huyết áp thường xuyên có thể giúp bạn nhận thấy sự thay đổi. Nếu huyết áp tăng, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra huyết áp trong vài tuần để xem các chỉ số có giữ nguyên tình trạng hay không.
Các triệu chứng dễ nhận biết của tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể diễn tiến thầm lặng không có triêu chứng nào. Phải đến vài năm, người bệnh mới cảm nhận rõ triệu chứng bệnh, lúc đó quá trễ. Thậm chí các triệu chứng của bệnh này được liệt kê vẫn có thể do các nguyên nhân khác. Đây là điều cực kì nguy hiểm.
Các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp nặng có thể bao gồm:
– Đau đầu
– Thở nông
– Chảy máu mũi
– Mặt đỏ
– Chóng mặt
– Đau ngực
– Mắt nhìn mờ
– Tiểu máu
Tình trạng có thể diễn biến nguy hiểm nếu chờ khi có dấu hiệu rõ ràng. Dấu hiệu đầu tiên có thể là cơn đột quỵ hoặc đau tim. Do đó việc đi khám sức khỏe định kì là vô cùng quan trọng.
Nếu bạn chỉ đi khám sức khỏe tổng quát mỗi năm 1 lần, hãy nhờ bác sĩ tư vấn về nguy cơ của bệnh tăng huyết áp và các chỉ dẫn khác để theo dõi huyết áp.
Nếu gia đình bạn có người bị bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc có các yếu tố nguy cơ của bệnh, bác sĩ có thể tư vấn bạn đi kiểm tra huyết áp trong vài tháng. Hoặc có thể mua thiết bị đo huyết áp để theo dõi tại nhà
Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp
Đường kính động mạch bị hẹp.
Thể tích máu lớn hơn bình thường.
Tim đập quá nhanh và quá mạnh so với bình thường.
Do dùng một số thuốc làm tăng huyết áp.
Vô căn: không xác định được nguyên nhân; thường gặp ở người từ 40 – 50 tuổi trở lên.
Người lớn tuổi; béo phì; tiền căn gia đình có người bị tăng huyết áp; người có khuynh hướng huyết áp cao hơn bình thường:135-139/85-89 mm Hg sẽ là những người dễ bị tăng huyết áp.
Mọi người nên chú ý theo dõi huyết áp của mình để phát hiện tăng huyết áp bằng cách đo huyết áp. Xác định tăng huyết áp khi huyết áp ≥ 140/90 mmHg trong 2 hay nhiều lần đo.
Tăng huyết áp ảnh hưởng đến mắt như thế nào?
Tăng huyết áp sẽ làm cho người bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh khác ở võng mạc như tắc động mạch trung tâm hoặc động mạch nhánh võng mạc, tắc tĩnh mạch trung tâm hoặc tĩnh mạch nhánh võng mạc, phình động mạch võng mạc. Những biến chứng này có thể sẽ dẫn đến các biến chứng trầm trọng khác ở võng mạc như xuất hiện tân mạch ở võng mạc, xuất huyết pha lê thể và màng trên võng mạc. Ở người đã bị bệnh võng mạc do tiểu đường, tăng huyết áp sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn. Phù gai thị kéo dài sẽ làm teo thần kinh thị giác, do đó mắt mờ rất nhiều.
Huyết áp là áp lực dòng máu tác động lên thành mạch, khi huyết áp tăng cao sẽ làm tổn thương hệ thống mạch máu toàn thân và đặc biệt là những mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc mắt, khiến chúng bị giãn, nứt vỡ, xuất hiện cục máu đông gây ra các biến chứng sau:
Tắc động mạch trung tâm võng mạc: người bệnh thường có biểu hiện mắt bị mờ đột ngột, thậm chí mù một mắt hoàn toàn nhưng không thấy đau hay đỏ mắt. Thời gian vàng để cấp cứu khôi phục thị lực là trong vòng 2 giờ đầu, mức độ cải thiện sẽ giảm dần trong vòng 6 giờ đồng hồ sau đó.
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc: Gây phù nề võng mạc khiến thị lực giảm dần trong vài ngày, nhìn như có lớp sương mù trước mắt hoặc có những điểm tối vùng trung tâm. Tùy mức độ bệnh mà thị lực sẽ giảm ít hay nhiều, do vậy ngay khi phát hiện có dấu hiệu nhìn mờ, người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín.
Xuất huyết dịch kính: Máu tràn vào dịch kính khi mạch máu nứt vỡ làm chắn đường truyền của tia sáng, khiến người bệnh nhìn thấy lớp khói đỏ, màng che màu đỏ di động. Tình trạng này có thể hết sau một vài ngày, tuy nhiên cũng có thể phát triển nặng hơn gây đục dịch kính khó điều trị.
Hiện tượng ruồi bay: Lúc này, người bệnh cảm giác có rất nhiều đốm đen bay trước mắt. Nguyên nhân là do khi tĩnh mạch võng mạc bị tắc, trên võng mạc có thể xuất hiện những mạch máu mới. Những mạch máu mới này rất dễ vỡ và khi vỡ chúng gây chảy máu ở bên trong mắt tạo nên hiện tượng ruồi bay.
Tổn thương dây thần kinh thị giác: Lượng máu, dịch thoát ra khỏi lòng mạch sẽ gây tổn thương dây thần kinh thị giác khiến người bệnh mất thị lực nhanh chóng và không thể hồi phục.
Giải pháp giảm tổn thương mắt khi tăng huyết áp
Với tình trạng hiện tại những người bệnh không may bị mờ mắt do tăng huyết áp nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ trực tiếp thăm khám để việc điều trị bệnh đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, nên có lối sống phù hợp để ổn định huyết áp tốt hơn và giảm tổn thương mắt như hướng dẫn sau:
– Ăn nhạt, tránh các thực phẩm chế biến sẵn, đông lạnh.
– Hạn chế hoặc kiêng rượu bia.
– Không hút thuốc lá.
– Ăn nhiều rau quả và trái cây tươi chưa nhiều vitamin, chất xơ như: cam, chanh, quýt, bưởi, rau cải, rau ngót…
– Sử dụng sản phẩm bổ mắt có chứa Alpha lipoic acid, Quercetin, Lutein, Zeaxanthin để bảo vệ võng mạc tránh tổn thương.
– Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
– Ngủ sớm, tránh thức khuya.
– Đeo kính bảo vệ mắt.
– Hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại, ti vi…
Những tổn thương trên mắt do tăng huyết áp tiến triển qua nhiều giai đoạn, có thể dẫn đến mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Bệnh võng mạc do biến chứng tăng huyết áp có thể để lại những tổn thương trầm trọng gây suy giảm thị lực nặng và không hồi phục. Kiểm soát huyết áp là phương pháp điều trị duy nhất. Nếu có các biến chứng khác ở mắt thì việc điều trị sẽ do bác sĩ chuyên khoa phụ trách.
Chỉ có kiểm soát tốt huyết áp mới phòng ngừa được các tổn thương mạch máu của mắt, cũng như các cơ quan khác như tim, thận và não. Đồng thời, người bệnh tăng huyết áp nên kiểm tra mắt thường xuyên sẽ giúp bác sĩ theo dõi được mức độ nặng của huyết áp để có biện pháp phòng ngừa, điều trị tích cực.
Ths.Bs Đỗ Minh Lâm