Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc

Tắc tĩnh mạch võng mạc là bệnh lý mạch máu tại võng mạc có thể gây giảm thị lực trầm trọng, thậm chí có thể gây mù nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Những yếu tố liên quan đến bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc

Bệnh lý tắc tĩnh mạch võng mạc tương đối phổ biến (tỷ lệ bệnh trên thế giới khoảng 0,7% đến 1,6%). Bệnh thường xuất hiện ở những người 50 -70 tuổi, có các bệnh toàn thân phối hợp như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tim mạch… hoặc có các bệnh lý tại mắt như glocom, viêm thành mạch…

Trong số những bệnh lý mạch máu võng mạc, tắc tĩnh mạch võng mạc là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 trên thế giới sau bệnh võng mạc tiểu đường. Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của các bệnh lý như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… thì bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc cũng có chiều hướng tăng lên.

tắc tĩnh mạch võng mạc

Triệu chứng của tắc tĩnh mạch võng mạc

Bệnh lý tắc tĩnh mạch võng mạc thường xuất hiện đột ngột ở một mắt; Triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng tùy vị trí và mức độ tắc tĩnh mạch. Thậm chí người bệnh có thể không có triệu chứng gì, hoặc chỉ cảm thấy như có một đốm đen ở một phần mắt, không ảnh hưởng thị lực.

Nhưng thông thường bệnh nhân đột nhiên nhìn kém, cảm giác như nhìn qua lớp sương mù, hoặc như thấy có đám đen trước mắt, có thể dẫn đến thị lực giảm trầm trọng trong vòng vài phút hoặc sau 2 – 3 ngày.

Khi khám mắt, bác sĩ phải tra thuốc giãn đồng tử để soi đáy mắt. Hình ảnh thu được ở mắt bệnh sẽ là tĩnh mạch võng mạc giãn không đều, động mạch có thể bị thu hẹp nếu xuất huyết võng mạc nhiều làm đáy mắt đỏ rực (đôi khi thành đám lớn).

Có thể có những xuất tiết bông, xốp trên võng mạc, phù võng mạc lan tỏa… Ở giai đoạn đã có biến chứng, bệnh nhân bị phù hoàng điểm dạng nang, tân mạch võng mạc, tân mạch mống mắt, glocom tân mạch, xuất huyết dịch kính, teo thần kinh thị giác gây mù loà.

Điều trị tắc tĩnh mạch võng mạc

Bệnh lý tắc tĩnh mạch võng mạc cần được điều trị ở cơ sở chuyên khoa mắt. Ở đây bác sĩ sẽ cho xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (chụp mạch ký huỳnh quang võng mạc, chụp cắt lớp võng mạc…) để xác định hình thái bệnh, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.

Tắc tĩnh mạch võng mạc ở nhánh tĩnh mạch nhỏ, thị lực hầu như không thay đổi, bệnh sẽ tự thoái triển. Còn nói chung, tắc tĩnh mạch võng mạc là bệnh lý nặng nề, thị lực giảm nhiều. Điều trị sớm giúp ngăn ngừa biến chứng và có thể cải thiện thị lực tốt hơn.

Tùy theo hình thái, mức độ tắc tĩnh mạch võng mạc cũng như các triệu chứng khác ở đáy mắt, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp hoặc phối hợp các phương pháp như dùng thuốc, laser võng mạc, tiêm nội nhãn anti VEGF – corticoid…

Do tắc tĩnh mạch võng mạc có liên quan đến bệnh lý toàn thân nên người bệnh nên đi các chuyên khoa khám tổng thể nhằm phát hiện và điều trị ổn định các bệnh toàn thân như tăng huyết áp, tiểu đường hay rối loạn mỡ máu…, hoặc phát hiện và điều trị các bệnh lý phối hợp tại mắt.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

Ths.BS Phan Thanh Nga

Tài liệu tham khảo:

  1. Ocular Neovascularization with Retinal Vascular Occlusion-III – Incidence of Ocular Neovascularization with Retinal Vein Occlusion – Sohan Singh Hayreh, MD, PhD, FRCS Correspondence – MD, PhD, FRCS Sohan Singh Hayreh, Patricio Rojas, MS, Patricia Podhajsky, BSN, Paul Montague, CRA, Robert F. Woolson, PhD – See more
  2. Systemic disorders associated with retinal vascular occlusion – Recchia, Franco M. MD; Brown, Gary C. MD –See more
  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14206-retinal-vein-occlusion
  4. https://medlineplus.gov/ency/article/007330.htm
  5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2696914/
  6. http://benhvien108.vn/tinbai/983/Benh-tac-tinh-mach-vong-mac

 

Chia sẻ: