Bạn Bích Ngọc (21 tuổi – Hà Nội) bị cận thị nặng (MP: 8 độ, MT: 4.75 độ), kết hợp loạn thị (MP: 1.25 độ, MT: 3 độ). Mắt của Ngọc còn gặp tình trạng “bất đồng khúc xạ” – tức độ cận và loạn ở 2 mắt lệch nhau quá lớn (lệch > 3 độ cận và lệch >2 độ loạn).
Ngày 1/11/2023, khi đến khám tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nguyễn Du, dù đã đeo kính, Ngọc chỉ đọc được vài hàng chữ to nhất trên bảng kiểm tra thị lực. Khi không đeo kính, bạn chỉ còn thể đếm được Kỹ thuật viên đang giơ lên bao nhiêu ngón tay ở khoảng cách 3m (Thị lực đếm ngón tay 3m); đồng thời bị mỏi mắt, nhức đầu nghiêm trọng nhiều tháng nay.
Bác sĩ Ngô Lan – Giám đốc chuyên môn Mắt Sài Gòn Nguyễn Du cho biết: Mắt phải của bệnh nhân có độ cận cao hơn rất nhiều so với mắt trái. Vì vậy, não có khuynh hướng bỏ qua tín hiệu thị giác đến từ mắt phải. Tình trạng này kéo dài dẫn đến các biến chứng nặng như rối loạn điều tiết, nhược thị, có thể bị lé, thậm chí là nguy cơ đánh mất thị lực vĩnh viễn ở mắt phải.
Sau khi xác định nhu cầu của bệnh nhân và nhận định tình trạng mắt của Bích Ngọc có thể cải thiện bằng phẫu thuật khúc xạ, bác sĩ Lan đã cho thực hiện nhiều xét nghiệm hình ảnh, chẩn đoán, cuối cùng chỉ định phương pháp ReLEx SMILE.
Kết quả sau phẫu thuật: Một tuần sau phẫu thuật, thị lực của bệnh nhân ghi nhận Mắt phải 10/10, Mắt trái 9/10, và không còn bất kỳ triệu chứng khó chịu nào do bất đồng khúc xạ.
“Trước đây cứ nghĩ đơn giản là cận – loạn thì đeo kính, nên mình không lường trước được sự nguy hiểm của việc chênh lệch khúc xạ kéo dài. Thật may mắn và nhẹ nhõm khi biết khi bây giờ mắt mình không còn nguy cơ nhược thị, mù lòa và còn nhìn rõ như chưa từng bị tật khúc xạ gì cả. Là nữ hộ sinh, công việc làm ca khuya, cần sự tỉ mỉ mà có đôi mắt sáng khỏe là quý lắm.” – Bích Ngọc chia sẻ.
Bác sĩ Ngô Lan cho biết bất đồng khúc xạ thường rất dễ bị bệnh nhân bỏ qua, do ở giai đoạn đầu không có dấu hiệu rõ, chưa ảnh hưởng đến sinh hoạt. Bác sĩ đưa ra lời khuyên nếu có tật khúc xạ nên lưu ý khi độ cận, loạn giữa 2 mắt lệch nhiều, nên đi khám mắt ít nhất 1 lần/năm ở người lớn, và 2-4 lần/năm ở trẻ em để kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời nếu phát sinh các biến chứng của bất đồng khúc xạ.