Trẻ viêm lệ đạo, phải làm sao?

Viêm lệ đạo (hay viêm túi lệ) là bệnh không hiếm gặp ở trẻ em. Do trẻ sơ sinh cơ thể còn non yếu nên các chỉ định điều trị cần phải hết sức thận trọng.

Nỗi lo lắng của người mẹ khi con viêm lệ đạo

Ngày 6/4/2018, bé Bim (4 tháng tuổi, ở Hà Nội) được bố mẹ đưa đi khám lại vì bé đang trong quá trình điều trị viêm mủ lệ đạo. Sau một tuần dùng kháng sinh, lệ đạo của bé vẫn tồn tại mủ ở gốc mũi khiến bố mẹ bé rất băn khoăn. Hàng ngày bé vẫn ăn, chơi, ngủ ngoan, không quấy khóc gì dù có những khó chịu ở mắt.

viêm lệ đạo

Do bé đã dùng kháng sinh 1 tuần, trong khi cơ thể bé còn non yếu nên bác sĩ đã quyết định dừng dùng kháng sinh, theo dõi thêm. Mẹ bé đã được tư vấn vệ sinh mắt cho bé hàng ngày, khám lại theo tuần để nhân viên y tế bơm rửa lệ đạo, chờ lệ đạo của bé to ra và lúc đó bệnh sẽ thoái triển.

Xem thêm: Tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh

Cả bố và mẹ bé đều rất căng thẳng khi bác sĩ nói mủ ở sâu gốc mũi bé vẫn còn nhưng không thể dùng kháng sinh (do e ngại các vấn đề liên quan, trong đó có rối loạn tiêu hóa). Tuy nhiên, sau khi được tư vấn kỹ về bệnh, bố mẹ bé đã thoải mái hơn khi ra về, chấp nhận theo dõi sát tình trạng của con chứ không cho bé dùng thêm bất cứ thuốc gì nữa.

Viêm túi lệ do tắc nghẽn lệ đạo

Ở dưới khóe mắt phía trong, cạnh mũi có túi lệ và có đường dẫn nước mắt thông xuống mũi. Viêm túi lệ xảy ra khi có hiện tượng nhiễm khuẩn của túi lệ do đường dẫn nước mắt – mũi (lệ đạo) bị tắc.

Tắc lệ đạo có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên, người cao tuổi, tuy nhiên trẻ em là đối tượng thường gặp nhất (đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng).

Nếu như ở người lớn, tắc lệ đạo thường do gặp phải các chấn thương vùng mắt, bệnh xoang, viêm kết mạc, đau mắt hột…, thì ở trẻ em, tắc lệ đạo thường do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc.

Bệnh nhân viêm do tắc lệ đạo thường đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ, gây ảnh hưởng đến thị lực.

viêm lệ đạo

Khi tắc lệ đạo, đặc biệt là tắc ở ống lệ mũi, nếu không được điều trị, viêm mạn tính có thể gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da. Bệnh nhân có viêm lệ đạo cần được khám và điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện mắt chuyên khoa. Tùy vào tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.

Đối với trẻ nhỏ, khi tắc lệ đạo, biện pháp điều trị đơn giản nhất là bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ nói chung chú ý day, nắn vùng góc trong mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt. Nếu vẫn không hết chảy nước mắt thì các bác sĩ có thể bơm rửa và thông lệ đạo để giúp cho nước mắt lưu thông tốt xuống mũi.

Tuổi để thông lệ đạo tốt nhất là khi trẻ được 4 – 6 tháng tuổi. Trẻ trên 1 tuổi, kết quả điều trị tắc lệ đạo bằng thông sẽ rất thấp.

Chú ý: Trước khi day vùng góc mắt cho trẻ, cần rửa tay sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn cho bé. Day nhẹ nhàng, đều tay. Có thể kết hợp lau rửa mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày cho bé.

Trẻ viêm tắc lệ đạo có thể được điều trị rất đơn giản (khỏi nhanh), nhưng có khi cần kiên trì, không thể nóng vội. Đôi khi chỉ sau một thời gian, trẻ phát triển, bệnh sẽ tự khỏi.

Xem thêm: Khám mắt để phát hiện sớm các bệnh về mắt ở trẻ

 

Chia sẻ: