Viêm nội nhãn nội sinh

Viêm nội nhãn nói chung và viêm nội nhãn nội sinh nói riêng là một bệnh nhiễm trùng mắt nặng nề, tiên lượng hồi phục phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm chẩn đoán và điều trị thích hợp. Viêm nội nhãn thường được chia thành 2 loại: viêm nội nhãn ngoại sinh và viêm nội nhãn nội sinh.

Nếu viêm nội nhãn ngoại sinh xuất hiện do các tác nhân gây bệnh (nấm, vi khuẩn…) đi vào mắt trực tiếp từ môi trường bên ngoài sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật, thì viêm nội nhãn nội sinh được gây ra bởi các vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus, hoặc vi trùng lây lan từ các cơ quan khác đang viêm hoặc nhiễm trùng của cơ thể theo đường máu.

Cơ chế bệnh sinh của viêm nội nhãn nội sinh

Trong điều kiện bình thường, hàng rào máu-mắt đóng vai trò rào cản tự nhiên chống lại các tác nhân gây bệnh xâm hại vào mắt. Khi cơ thể có ổ nhiễm trùng ở bộ phận khác (như viêm mũi xoang, viêm đường tiết niệu, viêm da…), các tác nhân gây bệnh sẽ từ đây đi vào máu đến mắt, gây ra tình trạng viêm của tổ chức nội nhãn đáp ứng với sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh khiến phá hủy thành phần dịch kính võng mạc, hắc mạc gây viêm nội nhãn.

Như vậy, nhìn chung viêm nội nhãn nội sinh thường xuất hiện trên cơ thể có giảm sức đề kháng. Tuy nhiên, không ít trường hợp bệnh nhân viêm nội nhãn nội sinh có tiền sử khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý toàn thân hoặc phẫu thuật trước đó.

Chỉ có điều, khi hỏi bệnh sử, nhiều người trong số họ có đỏ mắt hoặc ngứa mắt, đi khám (thường khám ở bác sĩ không phải chuyên khoa mắt), có điều trị bằng tiêm thuốc vào người hoặc tiêm cạnh mắt, sau đó diễn tiến bệnh nặng lên.

viêm nội nhãn nội sinh

Thực tế cho thấy: chính các biện pháp điều trị không hợp lý, lạm dụng tiêm truyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm nội nhãn nội sinh khởi phát. Viêm nội nhãn nội sinh có thể do vi khuẩn hoặc do nấm.

Ở nguyên nhân do vi khuẩn, có thể kể đến: tụ cầu vàng (thường đầu tiên gây viêm da), liên cầu, E Coli, vi khuẩn cúm, các loại vi khuẩn viêm màng não, trực khuẩn mủ xanh… Còn viêm nội nhãn nội sinh do nấm, phải kể đến Candida Albicans (chiếm 75 – 80% viêm nội nhãn nội sinh do nấm) thường xuất hiện ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch (như HIV/AIDS).

Người có sức đề kháng kém, trẻ em; Aspegillos hay gặp ở bệnh nhân nghiện theo đường tĩnh mạch. Ngoài ra còn có thể gặp Crytococcus, Torulopsis…

Triệu chứng của viêm nội nhãn nội sinh

-Triệu chứng chủ quan: Bệnh nhân viêm nội nhãn nội sinh thường có triệu chứng nhìn mờ, đau nhức mắt tăng lên về đêm, mắt bị kích thích rất khó chịu. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể bị đau đầu, buồn nôn, sợ ánh sáng, sưng nề xung quanh mắt, đỏ mắt.

-Triệu chứng khách quan: Khi khám, tình trạng mi mắt sưng nề, đỏ; kết mạc cương tụ; Giác mạc phù, thâm nhiễm; có mủ tiền phòng; Viêm dịch kính, viêm gai thị và các khối mủ trắng trên hắc-võng mạc.

-Triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, sốt, mất ngủ, kém ăn. Tuy nhiên, bệnh nhân viêm nội nhãn nội sinh giai đoạn đầu, hoặc những thể viêm âm thầm (như do P Acnes) có thể không đau, không có mủ tiền phòng (bác sĩ không có kinh nghiệm có thể nhầm với bệnh viêm màng bồ đào do cơ chế tự miễn dẫn đến sai lầm trong điều trị).

Dự phòng

Cần điều trị tốt các nhiễm trùng toàn thân, xoang, răng, tăng cường sức đề kháng chung của cơ thể. Để phòng mắc viêm nội nhãn nội sinh dẫn đến tổn hại thị lực trầm trọng, mọi người cần đi khám chuyên khoa mắt ngay khi có các dấu hiệu như nhìn mờ, đỏ mắt, đau nhức mắt, điều trị sớm và tích cực các ổ nhiễm khuẩn tại mắt và toàn thân.

Tuyệt đối không được lạm dụng tiêm truyền thuốc theo đường toàn thân và đặc biệt là tiêm cạnh mắt để điều trị các bệnh thông thường của bề mặt nhãn cầu như: viêm kết mạc dịch, viêm kết mạc dị ứng. Lạm dụng tiêm truyền thuốc có thể gây những ảnh hưởng trầm trọng đến cơ thể, trong đó có bệnh viêm nội nhãn nội sinh.

viêm nội nhãn nội sinh

Điều trị viêm nội nhãn nội sinh

Điều trị hiện nay có 3 khâu:

-Kháng sinh toàn thân và nội nhãn

-Corticoid (loại trừ nấm) toàn thân và tại chỗ.

-Cắt dịch kính

Tiên lượng và biến chứng

-Nhiễm trùng lan rộng và vỡ ra phía trước.

Bong võng mạc, teo gai, teo võng mạc, tắc mạch võng mạc.

-Nhãn cầu teo

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

ThS.BS Phan Thanh Nga

Tài liệu tham khảo:

1. http://cesti.gov.vn/chi-tiet/1575/khcn-trong-nuoc/dac-diem-lam-sang-va-tac-nhan-gay-benh-cua-benh-viem-noi-nhan-noi-sinh-o-tre-em

2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2850824/

3. Verbraeken H, Rysselaere M. Post-traumatic endophthalmitis. Eur J Ophthalmol. 1994;4(1):1–5.

4. Williams DF, Mieler WF, Abrams GW, Lewis H. Results and prognostic factors in penetrating ocular injuries with retained intraocular foreign bodies. Ophthalmology. 1988;95(7):911–916. 

5. Bohigian GM, Olk RJ. Factors associated with a poor visual result in endophthalmitis. Am J Ophthalmol. 1986;101(3):332–341.

 

Chia sẻ: